Đó là những ý kiến của ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương - Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị về thoái vốn Nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức mới đây.
Ông Dũng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì lộ trình thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn sẽ tiếp tục đảm đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đây là mục tiêu trọng tâm cần thực hiện để tái cơ cấu nền kinh tế.
Nếu trước đây, DNNN còn dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì hiện tại chỉ còn 12 ngành, lĩnh vực then chốt mà DNNN nắm giữ 100% vốn.
Tại thời điểm ngày 10/10/2016, cả nước có 718 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, xét trong 12 lĩnh vực then chốt theo tiêu chí mới thì hiện có 190 doanh nghiệp giữ 100% vốn Nhà nước. Đối với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá mà Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên hoạt động trong 5 năm chỉ có 4 doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá mà Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ thì có 30 doanh nghiệp mà Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ và 109 doanh nghiệp mà Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Về quá trình thoái vốn, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, tính đến tháng 9/2016, trong số gần 1.000 tiếp nhận, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 doanh nghiệp, với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn, cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần.
Về thoái vốn khỏi ngành, lĩnh vực ngành nghề không thuộc lĩnh vực, ngành nghề, kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (chứng khoán, ngân hàng, bất động sản), theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015 dự kiến thoái khoảng 26.000 tỷ đồng; đã thoái được 42% nên còn 58% (khoảng 15.000 tỷ đồng) phải thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020.
Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả IPO giai đoạn 2011 - 2015 của 426 DNNN cổ phần hoá thì có 254 DNNN (chiếm 60%) bán được hết cổ phần và 172 DNNN (chiếm 40%) không bán được hết cổ phần theo phương án cổ phần hoá được phê duyệt.
Báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2015 có 128 doanh nghiệp IPO bình quân bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán. Có 63% số doanh nghiệp, Nhà nước còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó có 16% số doanh nghiệp, Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ.
Sau khi IPO, tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, Nhà đầu tư bên ngoài nắm 9,5%, Nhà đầu tư chiến lược nắm 7,3%, Người lao động và tổ chức công đoàn nắm 2,2%.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thoái vốn tại 10 doanh nghiệp thuộc SCIC, Sabeco, Habeco phải công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm; đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về thị trường chứng khoán, các cam kết quốc tế và khẩn trương triển khai để đạt hiệu quả cao nhất. Thủ tướng cũng yêu cầu quá trình thoái vốn phải đảm bảo thực hiện các phương thức giao dịch theo đúng quy định của Luật Chứng khoán và quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.
"Thời gian tới, giai đoạn đến 2020, nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước sẽ rất nặng nề, trong nhiều lĩnh vực thoái vốn phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lợi ích nhóm", ông Dũng nói.
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn