Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, hiện nay có 14 nhà đầu tư xin làm dự án điện mặt trời, trong đó tại TP Cam Ranh có 10 dự án. Sau khi xem xét, UBND tỉnh Khánh Hòa mới cho chủ trương đầu tư 2 dự án ở TP Cam Ranh.
Theo đó, Công ty CP Khai thác Thủy điện Sông Giang (Khánh Hòa) đầu tư nhà máy điện mặt trời công suất 60MWp trên địa bàn 2 xã gồm: xã Cam Thịnh Đông và xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh).
Đơn vị thứ 2 được chấp thuận là Công ty CP Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân (TP HCM) cũng đầu tư dự án với tổng công suất 10MWp, với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng tại xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh).
Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư khác cũng xin đầu tư dự án điện mặt trời, gồm: Tổng Công ty Điện lực miền Trung đề xuất đầu tư nhà máy công suất khoảng 50MWp, tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Công nghiệp - Xây dựng Hà Nội xin đầu tư nhà máy công suất 300MWp; Công ty CP Xuân Trường Ninh Bình xin đầu tư nhà máy quy mô 500ha đất…
Liên quan đến dự án điện mặt trời, ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo, các dự án điện mặt trời thường chiếm diện tích đất đai rất lớn, dự án nhỏ cũng hơn 10ha. Do đó, cần rà soát, nghiên cứu kỹ và chỉ cho làm dự án ở những khu vực đất hoang hóa, không thể sản xuất nông nghiệp; tuyệt đối không được lấy đất đang sản xuất hiệu quả để thực hiện dự án.
Một số chuyên gia cho rằng, điện mặt trời có nhiều ưu việt vì đây là năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, bảo trì cao nên khả năng giá bán điện sẽ cao. Các chuyên gia khuyến cáo cần xem xét về công nghệ, khả năng lưu điện vào ban đêm, tuổi thọ pin… để tránh ô nhiễm môi trường.
Được biết, TP Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34kWh/m2/ngày. Trong khi đó, trên địa bàn 2 xã gồm: xã Cam Thịnh Đông, xã Cam Thịnh Tây, độ bức xạ cao gấp nhiều lần. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.
Viết Hảo
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn