Chia sẻ tại Hội thảo các giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế nội địa trong hội nhập, được tổ chức sáng nay 6/10 tại Hà Nội, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt bán hơn 65% là hàng nội địa, số nhập khẩu ít hơn. Tuy nhiên, để có những hàng chất lượng tốt, giá hợp lý, có tính cạnh tranh với DN bán lẻ ngoại không phải đơn giản.
"Đối với bán lẻ nội, nguồn hàng là nguồn sống của họ, bất cứ có trắc trở nào thì đều khó khăn cả. Các doanh nghiệp bán lẻ hiện đang rất khó khăn là tiếp cận nguồn hàng chất lượng tốt, giá hợp lý", bà Loan khẳng định.
Nguyên nhân chính là bởi, chúng ta chưa có trung tâm giao dịch và kết nối giao thương giữa nơi sản xuất và DN tiêu thụ. Khó khăn vướng mắc về vận chuyển, lưu kho từ nơi sản xuất đến nơi bán lẻ khiến làm tăng chi phí, tăng giá của sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Trên thực tế, các DN bán lẻ vẫn đưa ra cơ chế chào hàng để DN sản xuất đưa hàng vào bán tại các siêu thị. Mỗi nhà bán lẻ có một cơ chế riêng, DN nào có sản phẩm, đáp ứng được thì chấp nhận giá chào hàng và bán sản phẩm. Đây là điểm yếu bởi các DN bán lẻ của Việt Nam hiện nay vẫn có tư tưởng "ăn sẵn" trong phân phối, họ không chủ động tìm nguồn hàng, do đó xuất hiện nhiều DN đứng ra lập hệ thống phân phối riêng, quay trở lại cạnh tranh trực tiếp với các hãng bán lẻ như sữa TH True Milk, dệt may Nhà bè...
"Nhìn hệ thống phân phối theo chuỗi từ nhà sản xuất, trung tâm kết nối, giao thương hay hoạt động của ngành Logistic tại Nhật Bản, Thái Lan mà DN bán lẻ chúng tôi mơ ước, họ hoàn chỉnh còn tại Việt Nam dù có một số trung tâm giao dịch, kết nối nhưng không hiệu quả. Nơi đó không có những cái mới, cái thực sự đi vào cuộc sống. Cái DN cần không có", TS Loan tâm sự.
Hiện, rất nhiều DN bán lẻ cho hay họ rất khổ sở vì chi phí thuê mặt bằng bán lẻ bởi chi phí thuê ăn mòn lợi nhuận, thậm chí ăn hết cả vào phần doanh thu. Trong khi đó, các DN ngoại hiện diện ở khắp các nơi, được nhiều điểm vàng ở các trung tâm thương mại, cung đường đẹp, tiện lợi.
Một đại diện DN bán lẻ cho hay: "Trong khi cạnh tranh toát mồ hôi với DN bán lẻ ngoại về nguồn hàng, giá và khách hàng thì mặt bằng bán lẻ là thách thức lớn nhất, gian khổ nhất. Để vào một trung tâm thương mại mới ở Hà Nội, hợp đồng thuê không dưới 3 năm, đóng tiền năm một và đặt cọc hơn 30% số đó. Đó còn chưa nói việc thuê tòa nhà, mặt bằng để bán lẻ ở những con phố đẹp, đông khách, chi phí thuê tính theo m2, mỗi tháng từ 3 – 4 triệu đồng/m2. Để có mặt bằng xây dựng địa điểm bán lẻ đẹp, tối thiểu cũng phải 100 m2, mỗi tháng như vậy mất hàng trăm triệu đồng, đó là chi phí quá lớn.
Theo bà Loan, việc tiếp cận mặt bằng bán lẻ tại đô thị là cực kỳ gian khó đối với các DN bán lẻ nội. Ngay ở Hà Nội, Saigon Coop Mart – một DN bán lẻ lớn ở TP.HCM mở hai điểm bán lẻ ở Hà Đông và Thanh Xuân, nhưng sau một thời gian điểm bán lẻ ở Hà Đông đã đóng cửa còn ở Thanh Xuân, chi phí thuê mặt bằng quá cao, không chịu được, vẫn cố gắng tồn tại.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đối với ngành bán lẻ, chúng ta đang vấp phải sự cạnh tranh toàn diện, quyết liệt và không có đường lui. “Chúng ta đã mở quá nhiều và quá nhanh cho hệ thống bán lẻ bên ngoài vào. Tôi thực sự giật mình khi con số vừa được nói trong báo cáo về dư địa chính sách của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, chúng ta còn có thể có 1.750 dự án FDI làm trong phân phối. Tôi không hiểu, thời gian tới DN bán lẻ, DN sản xuất Việt Nam sẽ phải đối phó thế nào, phải làm sao”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, quy định của Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương 50 mét mới được mở một cửa hàng bán lẻ. Đây là lỗ hổng chết người bởi cứ căn cứ vào đây, các DN nước ngoài mở hàng loạt cửa hàng tiện ích nhỏ để cạnh tranh trực tiếp với trong nước. "Chúng ta tham gia WTO, chúng ta không mở cửa đối với bán lẻ đại siêu thị ngay mà đặt nhiều điều kiện. Tuy nhiên, đối với bán lẻ hệ thống nhỏ lẻ, các cửa hàng tiện ích, chúng ta đã buông lỏng hoàn toàn", bà Lan nói.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn