Đoàn Việt Nam đã kết thúc giải đấu với vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, vượt qua 1 loạt cường quốc thể thao châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ. Đây là kết quả vượt xa chỉ tiêu đặt ra ban đầu, là chỉ khoảng 25 HCV.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đã phàn nàn về việc kết quả này không thực chất, thấp về yếu tố chuyên môn, trong khi chi phí đăng cai lớn (hơn 300 tỉ đồng). Sau giải đấu, vấn đề nhận thưởng ở một giải “có gắn tên châu Á” lại được người trong nghề quan tâm.
Được biết, theo quyết định 32 ngày 6/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với VĐV thể thao, mức thưởng cho các VĐV, HLV đoạt thành tích ở ABG 5 lần lượt là 50 triệu đồng (HCV), 25 triệu đồng (HCB) và 20 triệu đồng (HCĐ). Tổng cộng, với 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ ở ABG5, ngành thể thao dự kiến chi thêm hơn 9 tỉ đồng để thưởng cho các VĐV.
Đoàn TTVN giành ngôi nhất toàn đoàn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) cho biết, ngành đã có thưởng nóng cho VĐV đoạt thành tích ở ABG 5, ngay sau khi kết thúc mỗi môn thi đấu. Riêng khoản tiền thưởng theo chế độ nhà nước nói trên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, sẽ được giải quyết trong khoảng 1 tháng tới.
Theo ông Vương Bích Thắng, việc đoàn Việt Nam đạt thành tích cao có nhiều yếu tố. Một là công tác chuẩn bị của chúng ta chu đáo, tham gia đại hội với lực lượng VĐV đông. Và hai là, trừ Thái Lan, một số nước cũng không cử được đông đủ số lượng VĐV tham dự.
“Là nước chủ nhà, công tác chuẩn bị của chúng ta phải đầy đủ, bao gồm cả lực lượng. Nếu chúng ta đạt thành tích kém thì ắt ngành thể thao lại bị chỉ trích theo hướng khác. Tôi cũng muốn nói rằng với các VĐV đạt thành tích, chúng ta phải trân trọng nỗ lực tập luyện, thi đấu của họ. VĐV có thể buồn nếu chúng ta đánh giá thấp những gì họ đã cống hiến”, ông Vương Bích Thắng cho biết.
ABG 5 theo một số ý kiến, cũng thiếu nhiều môn thể thao bãi biển, trong khi lại đưa các môn trong nhà vào nội dung thi đấu. Về vấn đề này, ông Vương Bích Thắng cho biết nhiều môn thể thao có cả thi đấu trong nhà, ngoài trời, hoặc bãi biển. Ví dụ như bóng đá gồm cả futsal, bóng đá sân 11 và bóng đá bãi biển. Vì vậy không thể nói những môn thi đấu trong nhà thì không thi đấu ở bãi biển được.
“Tuy nhiên đúng là trong kế hoạch, chúng tôi cũng đã cho nhiều môn thi đấu bãi biển vào chương trình đại hội, như dù bay, đua thuyền buồm…Nhưng do kinh phí hạn chế, chúng ta buộc phải cắt giảm.
Ngoài ra các môn còn lại của ABG 5 đều được tổ chức ở các kỳ đại hội trước. Việt Nam chỉ thêm 1 vài môn truyền thống theo quy định nhằm quảng bá cho chúng ta, ví dụ như Vovinam”, ông Vương Bích Thắng cho biết.
Theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, ABG 5 đã bán được bản quyền truyền hình cho 6 quốc gia. Về tổng thể, Việt Nam được các quốc gia tham dự đánh giá cao về công tác chuẩn bị, phục vụ.
Theo ông Thắng, thông tin kết thúc đại hội nhưng chưa tìm được nước đăng cai ABG 6 là không chính xác. Hiện đã có 4 quốc gia xin đăng cai đại hội kỳ tới, gồm Ấn Độ, Campuchia, Kazakhstan và Trung Quốc.
Video phóng sự về ngày thi đấu cuối của ABG 5 (bản quyền VTV):
Đề cập về những băn khoăn của dư luận thời gian vừa qua, ông Thắng cho biết: “ABG 5 không chỉ mang ý nghĩa về mặt thể thao, mà còn hướng tới đẩy mạnh các môn thể thao bãi biển, quảng bá trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, đại hội cũng góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, quảng bá du lịch. Tôi nói ví dụ nhiều lãnh đạo các quốc gia khi tham dự giải, người ta nói nếu không có ABG 5 thì không biết Việt Nam lại có Đà Nẵng với bãi biển đẹp như vậy. Hải sản cũng ngon, giá cả rẻ và phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Họ cho biết chắc chắn sẽ quay lại để du lịch, nghỉ ngơi”. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn