Đông Nam Á vô địch về tiền thưởng
Cụ thể, người lãnh tiền thưởng nhiều nhất sau khi đoạt HCV Olympic Rio 2016 từ chính phủ nước mình là kình ngư Joseph Schooling (Singapore). Schooling nhận 1 triệu USD tiền thưởng từ chính phủ Singapore. Sau khi trừ đi khoảng 25% thuế thu nhập cá nhân, số tiền thực lãnh còn lại của Schooling từ việc anh đánh bại Michael Phelps ở nội dung 100m bơi bướm nam là 753.000 USD (gần 17 tỷ đồng).
Con số 753.000 USD thực lãnh của Schooling cho đến hiện tại cũng chỉ mới là số tiền anh nhận từ chính phủ Singapore, có thể sẽ còn nhiều phần thưởng khác từ các doanh nghiệp ở đảo quốc sư tử cho kình ngư vừa viết nên lịch sử cho đất nước vốn xuất phát là một làng chài này. Số tiền thưởng từ các doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa được công bố.
Những người lãnh tiền nhiều thứ hai trong danh sách là các VĐV cử tạ của Thái Lan. Cụ thể, mỗi VĐV giành HCV cử tạ cho nước Thái ở Rio 2016 là Sopita Tanasa (hạng 48kg nữ) và Sukanya Srisurat (hạng 58kg nữ) được thưởng 28 triệu bath, tương đương khoảng hơn 800.000 USD (hoặc hơn 18 tỷ đồng).
Trong đó 10 triệu bath đến từ phần thưởng của chính phủ Thái Lan, 18 triệu bath từ phần tài trợ của các doanh nghiệp trong nước.
Dù vậy, số tiền 28 triệu bath nọ (hơn 800.000 USD) là số tiền thưởng trước thuế, chưa rõ Tanasa và Srisurat sẽ đóng thuế bao nhiêu %, đồng thời họ thực lãnh bao nhiêu tiền?
Đứng thứ 3 trong danh sách những VĐV lãnh tiền thưởng cao nhất cho thành tích dành HCV Olympic là Tontowi Ahmad và Liliyana Natsir (Indonesia), với ngôi vô địch nội dung đôi nam – nữ trong môn cầu lông. Cặp đôi vừa nêu được thưởng 383.000 USD (hơn 8,5 tỷ đồng). Số tiền này cũng đến từ chính phủ Indonesia, chưa tính phần tài trợ của các doanh nghiệp.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam cũng nằm trong nhóm các VĐV được lãnh thưởng cao nhất sau Olympic. Cho đến nay, số tiền thưởng dành cho Hoàng Xuân Vinh là hơn 5 tỷ đồng (tức hơn 200.000 USD), từ tiền thưởng của nhà nước và từ các doanh nghiệp.
Lãnh thưởng tương đương với Hoàng Xuân Vinh có Radik Isaev (Azerbaijan - Taekwondo, hạng trên 80kg nam), nhận 255.000 USD, hoặc các VĐV Kazakhstan gồm Yeleussinov (Quyền Anh, hạng 69kg nam), Baladin (bơi, nội dung 200m ếch nam) và Rahimov (cử tạ, hạng 77kg nam). Mỗi VĐV Kazakhstan vừa nêu lãnh 230.000 USD tiền thưởng cho mỗi tấm HCV Olympic mà từng người giành được.
Quốc gia càng giàu, càng mạnh, mức thưởng càng thấp
Điều khá ngạc nhiên là quốc gia càng giàu, thể thao càng mạnh thì mức thưởng cho mỗi tấm HCV lại càng thấp. Italia là quốc gia nằm trong nhóm những nền công nghiệp phát triển nhất thế giới G7, nhưng tiền thưởng dành cho HCV của Italia thua xa các nước ở Đông Nam Á hoặc ở vùng Trung Á như vừa nêu. Mỗi tấm HCV mà Italia đoạt được có mức thưởng là 185.000 USD.
Nhưng đấy vẫn còn là mức cao so với nhiều nước khác, ví dụ như Pháp thưởng cho mỗi VĐV giành HCV 66.000 USD, Nga thưởng 61.000 USD/HCV, trước thuế.
3 siêu cường kinh tế khác, cũng là 3 quốc gia có nền thể thao cực mạnh gồm Mỹ, Đức và Australia có mức thưởng cho mỗi HCV lần lượt giảm dần theo thứ tự là 25.000 USD (Mỹ), 20.000 USD (Đức) và 15.000 USD (Australia).
Ví dụ như siêu kình ngư Michael Phelps giành 5 HCV Olympic cho đoàn Mỹ, anh sẽ nhận mức thưởng cho thành tích 5 HCV từ chính phủ Mỹ là 125.000 USD. Cộng với tiền thưởng 15.000 USD cho 1 HCB đã giành được, Phelps có tổng tiền thưởng sau Olympic là 140.000 USD. Nhưng sau khi tiếp tục đóng thuế (mức thuế lên đến gần 40%), số tiền thực lãnh của VĐV vĩ đại nhất lịch sử Olympic còn thấp nữa.
Riêng trường hợp của các VĐV Vương Quốc Anh không được chính phủ thưởng tiền cho những tấm huy chương Olympic. Cụ thể, tay vợt Andy Murray hay bất cứ ngôi sao thể thao nổi tiếng nào của Vương Quốc Anh cũng không nhận bất kỳ đồng tiền thưởng nào từ chính phủ.
Họ kiếm được tiền từ nhà tài trợ cá nhân ra sao, sau khi giúp đánh bóng tên tuổi cho nhà tài trợ thông qua Olympic là việc của họ, chứ chính phủ Anh không thưởng tiền.
Điều này có thể lý giải rằng đối với các siêu cường thể thao và kinh tế như Mỹ, Australia, Đức hoặc Anh, việc giành HCV của họ là bình thường, khác với chuyện có HCV là có cột mốc mới trong lịch sử như các quốc gia Đông Nam Á, nên họ không thưởng to như các quốc gia Đông Nam Á thưởng cho VĐV của mình.
Vả lại, với số lượng huy chương quá lớn mà các đoàn Mỹ, Vương Quốc Anh hay Australia có được ở mỗi kỳ Olympic, nếu thưởng quá lớn như các nước ở Đông Nam Á, quỹ thưởng của các đoàn kể trên sẽ trở thành một con số khổng lồ.
Kim Điền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn