Từ Thường Châu đến Zanjan
Báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực về kì tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á. Đó là một trong những dấu son chói lọi nhất của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Và bên cạnh chiến tích để đời của Quang Hải và các đồng đội thì thể thao Việt Nam cũng vừa tiếp tục gặt hái được một kết quả hết sức đặc biệt khác.
Zanjan chắc chắn là một địa danh rất xa lạ với phần đông người Việt Nam. Cũng dễ hiểu bởi đây là một thành phố nhỏ của đất nước Iran xa xôi (đây là thành phố đông dân thứ 20 của quốc gia Hồi giáo này), song đó lại là nơi chứng kiến một sự kiện chưa từng có của cầu lông Việt Nam .
Trận đấu cuối cùng của giải Iran Challenge ngày 8-2 là một trận đấu hoàn toàn nội bộ của những người Việt Nam: cuộc đối đầu giữa tượng đài Nguyễn Tiến Minh và đàn em Phạm Cao Cường. Đây chính là lần đầu tiên trong lịch sử cầu lông có 1 trận chung kết giải Challenge toàn Việt Nam. Nó có thể coi là một cột mốc mới trong sự phát triển của môn cầu lông.
Người cô đơn Nguyễn Tiến Minh cuối cùng cũng đã tìm được truyền nhân, người kế thừa. Đó là một cuộc chuyển giao thực sự trọn vẹn khi chính Phạm Cao Cường đã đánh bại Nguyễn Tiến Minh đầy thuyết phục 3-1 để bước lên bục cao nhất của giải đấu.
Giống như U23 Việt Nam, chức vô địch giải Challenge lần đầu tiên trong sự nghiệp hoàn toàn có thể là bước đà hoàn hảo để chàng trai 21 tuổi này chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai.
Phạm Cao Cường không những là “truyền nhân” của Nguyễn Tiến Minh, mà còn có cơ hội tiến xa hơn người đàn anh.
Đâu là điểm chung giữa 2 chiến tích này?
Bóng đá và cầu lông là 2 môn thể thao khác xa nhau. Nhưng giữa 2 chiến công ngoạn mục của U23 Việt Nam và Phạm Cao Cường lại có rất nhiều điểm chung. Thành công ấy đều là quả ngọt của một quá trình làm thể thao chuyên nghiệp, căn cơ.
Thật bất ngờ khi trong thành phần U23 Việt Nam dự giải U23 châu Á, địa phương đóng góp đông thành viên nhất lại là Hải Dương (cùng có 4 tuyển thủ như Nghệ An). Nói ngạc nhiên là vì Hải Dương vốn là vùng trắng về bóng đá, địa phương này không có đội bóng đá chuyên nghiệp.
Những Đức Huy, Văn Thanh, Văn Toàn và Trọng Đại đều đi theo cùng một con đường: tỏa sáng ở giải Nhi đồng toàn quốc, rồi được đưa về lò đào tạo của các CLB chuyên nghiệp ăn tập, đào tạo bài bản từ nhỏ.
Chi tiết ấy thể hiện bóng đá Việt Nam đã bắt đầu có một nền móng vững chắc hơn. Với sự ra đời của nhiều lò đào tạo, các CLB chuyên nghiệp cũng quan tâm hơn đến bóng đá trẻ, các tài năng đã có nhiều cơ hội hơn để theo đuổi đam mê.
Hầu hết các tuyển thủ U23 Việt Nam đều đã trải qua 1 quá trình rèn luyện, khắt khe, chuyên nghiệp từ nhỏ như những đồng nghiệp ở Hải Dương. Đó có lẽ là lí do họ đã chơi rất chững chạc, bản lĩnh ở giải U23 châu Á trước những ông kẹ của bóng đá châu lục. Điều mà những thế hệ đàn anh chưa bao giờ làm được.
Tương tự như vậy, Phạm Cao Cường cũng có xuất phát điểm khác hẳn tiền bối Nguyễn Tiến Minh. Không chỉ có thể hình vượt trội so với người đàn anh (Cường cao 1m82, trong khi Tiến Minh chỉ cao 1m70), Cao Cường cũng đã được trui rèn rất bài bản khác hẳn Tiến Minh.
Nên nhớ rằng, Tiến Minh được coi là hiện tượng lạ của làng cầu lông đỉnh cao thế giới. Anh bắt đầu từ những giải phong trào rồi đi lên chuyên nghiệp. So với các VĐV khác, Tiến Minh bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp muộn hơn rất nhiều.
Đến năm 18 tuổi, anh mới bắt đầu ăn tập chuyên nghiệp. Đấy cũng là một lí do Tiến Minh không thể phát triển hết tiềm năng của mình. Ngược lại, Cao Cường đã có may mắn không đi vào vết xe đổ của Tiến Minh.
Chàng trai sinh năm 1996 này đã được đào tạo chuyên nghiệp từ nhỏ, đồng thời cũng được cọ xát từ rất sớm. Ngay từ lúc này, Cao Cường đã được các nhà tài trợ rót tiền hỗ trợ. Chính nhờ những yếu tố thuận lợi đó mà Cao Cường đang bắt đầu hái quả ngọt.
Thể thao đỉnh cao là như vậy. Thành công không tự nhiên mà đến. Nó là thành quả của một quá trình rèn luyện, đào tạo chuyên nghiệp dài lâu. Và để làm được điều đó, đòi hỏi sự chung tay giúp sức, tham gia của các Mạnh Thường Quân, của toàn xã hội.
Quý độc giả thân mến, các bạn đang đọc số báo cuối cùng của năm Đinh Dậu. Hi vọng trong năm mới Mậu Tuất, thể thao Việt Nam còn tiếp tục gặt hái thêm những chiến công như tại Thường Châu và Zanjan. Đồng thời, sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm của môi trường thể thao chuyên nghiệp như U23 Việt Nam cũng như Phạm Cao Cường ra đời.
Kỳ vọng “bị lật đổ” được Tiến Minh mong mỏi từ rất lâu đã trở thành hiện thực.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn