Mới đây, những hãng tin, tờ báo danh tiếng thế giới như BBC, Sky Sports đã công bố một bản báo cáo dài 55 trang của một nhóm giám sát độc lập của WADA do luật sư người Anh Jonathan Taylor đứng đầu về Olympic Rio 2016 . Trong đó, đáng chú ý khi tập tài liệu này đã vạch ra một scandal về những sai phạm có hệ thống trong công tác xét nghiệm doping với các VĐV tranh tài tại Thế vận hội vừa qua ở Brazil.
Công tác xét nghiệm phòng chống doping ở Olympic Rio dường như đã bị buông lỏng
Đặc biệt, báo cáo này có nhấn mạnh chi tiết trong một số ngày diễn ra Olympic Rio 2016, có đến gần 50% mẫu thử doping của các VĐV theo kế hoạch phải tham gia xét nghiệm chất cấm đã bị hủy bỏ hoặc không tìm thấy một cách bất thường.
Tổng cộng, có 3.247 VĐV từ 137 quốc gia đã được xét nghiệm doping trong suốt Olympic Rio (5-21/8/2016), đại diện cho 11.307 VĐV tham gia ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh ở Brazil (chiếm 28,6%). Trong số này, có đến 2.611 người chỉ được kiểm tra 1 lần, 527 người phải kiểm tra đến lần thứ 2, 81 người trải qua 3 lần xét nghiệm doping và thậm chí có 1 người còn phải mất đến 6 lần kiểm tra chất cấm.
Bản báo cáo của WADA đã đặt ra khá nhiều vấn đề về những “lỗ hổng” trong công tác phòng chống VĐV sử dụng chất cấm ở Olympic Rio 2016:
- Gần 100 mẫu xét nghiệm cho kết quả doping không phù hợp với một VĐV là do… lỗi nhập dữ liệu.
- Một số mẫu của một vài VĐV đã bị “mất tích” đột ngột 2 tuần sau khi Olympic Rio kết thúc.
- Có rất ít hoặc thậm chí không có bất kỳ cuộc xét nghiệm máu nào với các VĐV cạnh tranh trong nhiều môn thể thao đòi hỏi ý thức kỷ luật nghiêm ngặt và có nguy cơ cao lạm dụng chất cấm, ví dụ như cử tạ.
- Không có bất kỳ cuộc xét nghiệm doping nào với cầu thủ sau một trận đấu bóng đá ở Olympic và điều này khiến WADA “hết sức ngạc nhiên”.
- Cho đến ngày 8/8 năm nay, chỉ có 4.795 VĐV đã cung cấp thông tin nơi ở trong hệ thống phòng chống của Olympic Rio.
v.v..
Các VĐV Nga từng chịu không ít thiệt hại và tai tiếng vì án phạt doping
Chất lượng đội ngũ nhân viên giám sát và làm việc trong những phòng xét nghiệm doping ở Rio cũng là một dấu hỏi. Nhiều người trong số này không biết tiếng Anh – ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới.
Bản thân chính WADA cũng mắc sai sót trong vụ tai tiếng này. Chính cơ quan này từng ca ngợi những cải tiến đã thực hiện ở các phòng xét nghiệm phòng chống doping ở Rio với những “mỹ từ” như “trang thiết bị tuyệt vời” và “hoạt động rất an toàn và có hiệu quả”.
Tuy nhiên, thực tế đã không được như vậy. Một số trung tâm xét nghiệm doping đã bị đình chỉ hoạt động chỉ 6 tuần trước khi Olympic Rio nổ ra vì không đạt tiêu chuẩn cần thiết.
Những sai sót nghiêm trọng trong công tác xét nghiệm doping ở Olympic Rio thực sự đã gây ra nghi ngờ về tính minh bạch tại Thế vận hội vừa qua và khiến nhiều người thích sự cạnh tranh công bằng để đạt vinh quang trong thể thao cảm thấy thất vọng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn