Thế nhưng ít ai biết rằng Công đã trải qua một cuộc sống “du mục” lẫn bế tắc đến cùng cực như thế nào.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, năm 2005, chàng trai với đôi chân teo tóp Lê Văn Công khăn gói vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề sửa chữa điện tử. Bất ngờ anh bén duyên với điền kinh, sau đó gắn chặt với môn cử tạ.
Sau nhiều năm chật vật với căn phòng trọ vỏn vẹn 10 m2 tại Sài thành, cách đây hai năm, Công và vợ - chị Chu Thị Tám (Út Tám) đã thu vén xây được ngôi nhà nhỏ tại xã Mỹ Hạnh Nam, Long An. Tuy phải đi đi về về giữa địa điểm tập luyện TP.HCM và gia đình tại Long An nhưng ngôi nhà nhỏ ấy luôn giúp Công có thêm nghị lực vượt qua nghịch cảnh.
Hạnh phúc của Lê Văn Công khi đoạt HCV và lập kỷ lục thế giới. Ảnh: TTVN
Hành trang trong cuộc mưu sinh nơi đất khách của chàng lực sĩ Lê Văn Công không gì khác ngoài “nghị lực và ý chí phi thường”. Đấy cũng chính là sự hãnh diện của chị Út Tám mỗi khi chị nhận xét về chồng mình. Không hãnh diện sao được khi cân nặng của Công chưa đến 49 kg nhưng ý chí và nghị lực đã giúp anh nâng mức tạ vượt 3,5 lần trọng lượng cơ thể.
Để đến được với nhau, Lê Văn Công và Út Tám phải trải qua không ít sóng gió lẫn thị phi của miệng đời. Ước mơ duy nhất của vợ chồng Công là ráng cày cục thêm thật nhiều tiền để có thể chuyển nhà về TP.HCM, nhằm tạo điều kiện cho Công đi về được thuận tiện hơn.
Thế nhưng ước mong ấy có lẽ sẽ còn rất xa bởi gia đình với bốn miệng ăn, tiền học của cậu con trai mới vào lớp 1, tiền sữa cho cô con gái nhỏ bảy tháng tuổi… vẫn chỉ trông chờ vào đồng thu nhập ít ỏi của lực sĩ Lê Văn Công! Ngoài số tiền công tập luyện, nguồn sống chính của gia đình Lê Văn Công chỉ trông chờ từ việc gia công hàng điện tử.
Hy vọng ngoài số tiền thưởng gần 600 triệu đồng theo mức treo thưởng của Chính phủ và các mạnh thường quân, lực sĩ Lê Văn Công sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần trong thời gian tới!
Ở ngày tranh tài chính thức thứ ba của đấu trường Paralympic (10-9), đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tiếp tục có bốn VĐV ra quân. Ở môn cử tạ, lúc 20 giờ lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng sẽ thi đấu chung kết hạng 50 kg nữ. Vào lúc 23 giờ, nhà vô địch châu Á Châu Hoàng Tuyết Loan tranh tài hạng 55 kg nữ. Cả hai được kỳ vọng sẽ giành thêm huy chương về cho đoàn Việt Nam.
Môn bơi lội, lúc 20 giờ 5 kình ngư Võ Thanh Tùng (hạng thương tật S5) bước vào vòng loại cự ly 50 m bướm nam. Trên bảng xếp hạng thế giới, kình ngư người Cần Thơ hiện xếp hạng 6 thế giới nên anh được kỳ vọng sẽ có huy chương nếu thể hiện vượt mức phong độ của mình. Trước đó vào lúc 19 giờ 54, kình ngư Trịnh Thị Bích Như (hạng thương tật S6) dự tranh vòng loại 50 m tự do nữ. Đây cũng là nội dung thi thứ hai của Như tại Paralympic Rio.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn