*Trận đấu Việt Nam-Myanmar diễn ra vào lúc 18h30 ngày 20/11 trên sân Thuwanna, Dân trí sẽ tường thuật trực tuyến trận đấu này.
Lật lại những trang lịch sử, Myanmar từng là một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Á. Có thời, bóng đá Myanmar được sánh ngang với cả Hàn Quốc, Iran. Đặc biệt, bóng đá Myanmar từng 2 lần đoạt HCV môn bóng đá nam Asiad, vào các năm 1966 và 1970.
Xen giữa các năm đấy, đội tuyển quốc gia Myanmar từng giành hạng nhì ở giải vô địch bóng đá châu Á năm 1968. Giai đoạn những năm của thập niên 1960 cũng là giai đoạn mà Myanmar mới là thế lực số 1 của bóng đá Đông Nam Á, chứ không phải Thái Lan.
Trong khoảng thời gian vừa nêu, Myanmar hầu như không có đối thủ xứng tầm trong khu vực, thể hiện qua việc họ 5 lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games từ các năm 1965 – 1973.
Dù vậy, sau khoảng thời gian đấy cũng là giai đoạn đi xuống của bóng đá Myanmar nói chung. Sau năm 1973, Myanmar không giành ngôi vô địch SEA Games thêm lần nào nữa, càng không tạo được tiếng vang trên bình diện châu Á và thế giới.
Riêng từ sau trận thua Việt Nam ở bán kết SEA Games 1995, ở Chiang Mai (Thái Lan), bóng đá Myanmar dần dần phải chịu cảnh xếp dưới so với đội tuyển Việt Nam.
Trong những năm trở lại đây, Myanmar có dấu hiệu hồi phục, hoà nhịp chung với sự hồi phục kinh tế của đất nước. Bóng đá Myanmar liên tục có những đợt trẻ hoá. Tuy nhiên, đặc điểm chung của họ là trẻ hoá quá vội vã, nên chưa thu được kết quả như mong đợi.
Ví dụ, khi có một thế hệ mới nổi lên, người làm bóng đá Myanmar thường chọn cách bỏ quên thế hệ ngay trước đó, thành ra các đội bóng của Myanmar nhìn chung luôn thiếu kinh nghiệm thi đấu, thiếu tính kế thừa và không có sự hoà trộn giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Còn các cầu thủ trẻ chỉ tiến bộ có giới hạn, vì không được các đàn anh dẫn dắt, nên chưa kịp học được nhiều từ thế hệ đi trước.
Ở AFF Cup 2016, Myanmar cũng đang trong giai đoạn trẻ hoá. Thành phần chính của đội bóng trong tay HLV Gerd Zeise (người Đức) là nhóm cầu thủ trong khoảng 22 – 24 tuổi, từng tham dự SEA Games 2015 như thủ môn Yang Aung Lin, Thein Zaw, Zaw Min Tun, Kyaw Zin Lywin, Win Naing Soe, với thế hệ vừa dự VCK World Cup U20 năm ngoái, trong khoảng 20 – 21 tuổi gồm Nanda Kyaw, Hein Thiha Zaw, Myo Ko Tun, Zin Phyo Aung, Aung Thu...
Đội này được đầu tư khá nhiều tiền, đi tập huấn châu Âu, ở Đức, Bỉ, Hà Lan, thi đấu với các đội hàng dưới ở các quốc gia này.
Tuy nhiên, hiệu quả của chuyến tập huấn đấy cho tới giờ tiếp tục là ẩn số, bởi nói cho cùng các trận đấu mà đội tuyển Myanmar đá tại châu Âu về cơ bản vẫn chỉ là các trận đấu tập. Ngoài ra, do toàn đội chỉ có 1 cầu thủ trên 30 tuổi là hậu vệ Win Min Htut (36 tuổi), nên kinh nghiệm tiếp tục là vấn đề lớn đối với đội chủ nhà của bảng B.
Chất lượng thật sự của đội tuyển Myanmar hiện như thế nào có lẽ chỉ có câu trả lời sau trận đấu với đội tuyển Việt Nam vào ngày mai (20/11), trận đấu mà dù là chủ nhà, nhưng Myanmar vẫn bị đánh giá thấp hơn đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Kim Điền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn