Bóng đá Trung Quốc vào mùa "săn" sao Hàn Quốc

Thứ bảy - 12/11/2016 00:08
Giải Vô địch quốc gia Trung Quốc kết thúc là thời điểm những tin đồn nở rộ. Quốc gia với tham vọng hóa siêu cường trong làng túc cầu cũng bắt đầu vào mùa "đi săn".

Sau kỳ chuyển nhượng tháng 1 gây chấn động thế giới, chưa có dấu hiệu cho thấy các "thiếu gia" Trung Quốc sẽ dừng lại. Nếu tỷ lệ thành công của những bản hợp đồng châu Âu hơi khó nhằn, chiêu mộ các ngôi sao bóng đá Hàn Quốc khả dĩ hơn.

Tuần rồi, truyền thông râm ran tin đồn người Trung Quốc muốn lôi kéo hai tên tuổi Koo Ja-cheol, khoác áo FC Augsburg, và Lee Chung-yong, thuộc biên chế Crystal Palace.

Lee Chung-yong nằm trong tầm ngắm các đội bóng Trung Quốc.

 

Người Trung Quốc rất thích những cầu thủ Hàn Quốc. Cũng giống như các giải vô địch tại châu Á, điều luật tại giải bóng đá Trung Quốc giới hạn số ngoại binh trong một đội bóng. Theo đó, chỉ có ba cầu thủ ngoại và một đến từ châu Á được xuất hiện.

Với suất dành cho cầu thủ châu Á, nhiều CLB Trung Quốc ưu tiên tuyển binh Hàn Quốc. Mùa này, có tới 9 CLB trong tổng số 16 đội dùng ngoại binh Hàn Quốc để đáp ứng điều kiện thi đấu.

Có nhiều lý do để những đội bóng nhà giàu Trung Quốc dễ dàng "hút máu" tài năng Hàn Quốc. Mức lương cho các cầu thủ nội tại Hàn Quốc thường không cao. Theo trang Kleagueunited, quỹ lương của đội bóng hùng mạnh Jeonbuk thanh toán cho 36 cầu thủ năm ngoái chỉ vào khoảng 10,5 triệu USD/năm.

Con số này thua xa khoản lương Shanghai SIPG trả cho tiền đạo Hulk, với 15,3 triệu bảng/năm. Chân sút Graziano Pellè cũng nhận tới 13,9 triệu bảng sau thuế/năm tại Shandong Luneng Taishan. Từ thực tế đó, người Trung Quốc chỉ cần dùng sức mạnh đồng tiền để lôi kéo các ngôi sao xứ sở kim chi.

Lee Chung-yong gặp khó khăn tìm chỗ đứng ở Crystal Palace.

 

Cùng với việc giải VĐQG Trung Quốc ngày càng phát triển, những cầu thủ giỏi Hàn Quốc cũng dễ dàng bị thu hút. Ngoài ra, tới Trung Quốc thi đấu đảm bảo cho một chỗ đứng nhất định. Đơn cử như trường hợp của Lee Chung-yong.

Sang Anh thi đấu từ năm 2009, Chung-yong sau thời gian gắn bó với Bolton cũng chỉ tìm được bến đỗ tốt hơn mang tên Crystal Palace. Ở tuổi 28, Chung-yong đang gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng nơi sân Selhurst Park.

Mùa trước, anh ra sân đá chính chỉ 6 trận và thường xuyên phải vào sân từ ghế dự bị vào phút cuối. Điều này ảnh hưởng lớn đến vị trí của Lee Chung-yong ở đội tuyển Hàn Quốc.

Để khẳng định chỗ đứng trong màu áo đội tuyển quốc gia, tiền vệ này cần ra sân nhiều hơn. Hơi cay đắng nhưng Crystal Palace không phải nơi để Chung-yong thực hiện nhiệm vụ.

Người Trung Quốc sẽ dùng rất nhiều tiền để lôi kéo Koo Ja-cheol.

 

Trong khi đó, Koo Ja-cheol sẽ thử thách sức mạnh tiền bạc của Trung Quốc. Cầu thủ này đang có phong độ ổn định trong màu áo FC Augsburg. Anh đã ghi 8 bàn mùa trước và trở thành một phần quan trọng ở đội bóng.

Thế nhưng, mức lương Augsburg dành cho tiền vệ 27 tuổi chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với con số mà các CLB Trung Quốc đưa.

Một ví dụ khác cho thấy người Trung Quốc đãi ngộ rất tốt để thu hút các cầu thủ Hàn Quốc là trường hợp của hậu vệ Kim Young-gwon. Gắn bó với Guangzhou Evergrande từ tháng 7/2012, Young-gwon được đánh giá đủ sức thi đấu ở châu Âu, tuy nhiên anh vẫn gắn bó cùng CLB.

Gần đây, đã có tin đồn Kim Young-gwon có thể ra đi. Nếu điều đó xảy ra, Guangzhou Evergrande nhiều khả năng thay Kim Young-gwon bằng một đồng hương khác, Kim Kee-he của  Shanghai Shenhua.

Nhìn từ chuyển động của làng túc cầu châu Á, mối lương duyên giữa các CLB Trung Quốc và cầu thủ Hàn Quốc chắc chắn còn tiếp diễn.

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây