Khi đoàn vận động viên Trung Quốc đặt chân đến Rio de Janeiro để dự Olympic 2016 , họ đi tìm Vàng, rất nhiều Vàng. “Trung Quốc chờ đợi 30-36 HCV”, dòng tít lớn của trang nhất tờ Global Times.
Tờ Global Times: Mục tiêu của Trung Quốc là 30-36 HCV
Nhưng chỉ sau vài ngày, hiện thực đã đổ ụp lên đầu các fan thể thao lẫn những người đứng đầu ngành thể thao Trung Quốc. Sẽ không có thành công của những kỳ Olympic 2008 hay 2012, bởi sau ngày thi đấu thứ 15, bất chấp thành công ở các môn như nhảy cầu hay cử tạ, Trung Quốc đang đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương, sau đoàn Vương quốc Anh.
Việc đoàn Vương quốc Anh đứng trên đoàn Trung Quốc là điều hiếm khi xảy ra. Tài khoản Twitter tiếng Anh của Tân Hoa Xã viết: “Quý vị đùa tôi chắc? Một nước chưa từng đứng trên Trung Quốc giờ lại sắp làm được điều đó”. Đoạn tweet này sau đó bị xóa.
Và sau khi lần lượt các môn cầu lông và thể dục dụng cụ gây thất vọng lớn, Trung Quốc gần như hết hy vọng. Kể từ năm 2004, đoàn này đã luôn đứng thứ nhì trên bảng tổng sắp huy chương, nhưng sau ngày thi đấu thứ 15, Anh Quốc đã có 27 HCV, tiếp tục đứng trên 26 HCV của Trung Quốc. Quá ít cơ hội để vượt lên trong ngày cuối cùng, và chắc chắn không thể bắt kịp 43 HCV của đoàn Mỹ.
Mục tiêu 36 HCV được các quan chức thể thao Trung Quốc xem là hợp lý, bởi số HCV cao nhất họ từng giành được là trên sân nhà năm 2008 với 51 HCV. Số VĐV Trung Quốc dự Olympic 2016 là đông nhất từ trước tới nay, 416 VĐV. Do vậy việc không đạt được chỉ tiêu với một số lượng VĐV lớn như vậy là một thất bại.
Đoàn Trung Quốc dự Olympic 2016 với số lượng đông nhất nhưng số HCV ít nhất trong 2 thập kỷ
Ngay từ ngày đầu tiên đoàn Trung Quốc đã cho thấy họ không đủ khả năng để cạnh tranh với Mỹ. Nhà cựu vô địch Olympic ở môn bắn súng, Du Li, bị đánh bại bởi cô gái 19 tuổi Ginny Thrasher. Nhà vô địch bơi Sun Yang bật khóc sau khi thua ở nội dung 400m tự do. Và ở môn cầu lông, nhà vô địch lẫn á quân của nội dung đôi nam nữ đều văng khỏi giải trong khi các cặp đến từ Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và cả Anh Quốc đi tiếp.
Nhưng thất bại nặng nề nhất phải là ở môn thể dục dụng cụ. Thứ Ba vừa qua, đoàn Trung Quốc có 3 VĐV thể dục dụng cụ thi đấu thì cả ba đều thất bại. Môn này mang về cho Trung Quốc 11 HCV ở Bắc Kinh 2008 và 5 HCV ở London 2012, nhưng năm nay là một con số 0 tròn trĩnh.
Sự xấu hổ của Trung Quốc với thất bại của môn thể dục dụng cụ lớn tới mức nào? Trong một bản tin của kênh BBC World, khi người dẫn chương trình Rico Hizon đang đề cập tới thất bại và màn ảnh chiếu hình ảnh VĐV You Hao ngã dưới đất trong phần thi xà kép, màn hình đột nhiên chuyển sang đen kịt cho đến khi phần tin này kết thúc.
Lý giải ra sao cho thất bại của đoàn thể thao Trung Quốc? Thực sự khó có thể tìm được một nguyên nhân chung. Tờ Nhân dân nhật báo trong một bài viết mới đây đã đổ lỗi cho thất bại vì chấn thương, tuổi tác cao của các VĐV lẫn thể hiện dưới sức của một số VĐV chủ lực, nhưng đó là những lý do lúc nào cũng có thể lấy để biện hộ.
Xấu hổ trước thất bại của VĐV thể dục dụng cụ You Hao, Trung Quốc cắt sóng BBC World khi đưa tin về thất bại này
Mark Dreyer, một nhà báo thể thao làm việc tại Bắc Kinh, gần đây đã có bài bình luận cho rằng Trung Quốc ở Olympic 2016 không phải tệ, nhưng thể hiện dưới kỳ vọng vì “đã đặt một kỳ vọng quá tầm so với sức mạnh thật sự”.
Dreyer viết: “Đây có lẽ là sự khởi đầu của một xu hướng tích cực hơn. Những chương trình ‘sản xuất VĐV’ được nhà nước tài trợ có thể mang về huy chương trong nhất thời, nhưng cũng đồng thời đẻ ra một thế hệ VĐV trắng trơn về mặt kiến thức văn hóa và chật vật khi rời khỏi sự nghiệp thể thao. Những điều đó gần như không tạo chút cảm hứng gì từ thế hệ thanh niên Trung Quốc mới”.
“Cơn sốt Vàng đang vơi dần, đây là giai đoạn chuyển giao mà thể thao Trung Quốc tách khỏi những lề thói cũ. Thất bại ở Olympic mới chỉ là khởi đầu”, Dreyer nhấn mạnh.
Top 10 của bảng tổng sắp huy chương Olympic 2016 đến hết ngày thi đấu thứ 15
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn