Hung thủ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Mert Altintas. Ảnh: Vingt minutes |
Ngay sau khi đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị ám sát, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đã so sánh vụ việc với vụ ám sát thái tử Áo-Hung Archduke Franz Ferdinand vào năm 1914, là nguồn cơn dẫn đến Thế chiến I.
"Phải chăng đây là thái tử Archduke Franz Ferdinand của năm 2016", hay "từ khóa Franz Ferdinand tăng vọt sau vụ ám sát đại sứ Nga", là những dòng trạng thái trên mạng xã hội dễ bắt gặp sau khi vụ việc xảy ra, phản ánh tâm lý lo lắng của dư luận về nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột toàn cầu, theo 20 minutes.
Tuy nhiên, bình luận viên Daniel Vernet của Le Monde nhận định, nếu nhìn thoáng qua thì hai vụ việc có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại mang bản chất hoàn toàn khác nhau.
Đối với sự kiện năm 1914, trong bối cảnh quan hệ giữa Áo-Hung và Serbia đang vô cùng căng thẳng sau khi đế quốc Áo-Hung chiếm hai vùng lãnh thổ Bosnia và Herzegovina, thái tử Ferdinand, bất chấp những lời cảnh báo, đã đến Bosnia để thị sát cuộc tập trận. Đây là một hành động được coi là hành động mang tính khiêu khích cao với Serbia.
Thủ phạm trực tiếp bắn chết thái tử là Gavrilo Princip, một sinh viên người Serbia thuộc tổ chức "Bàn tay đen". Sau vụ ám sát, giới quân phiệt Đức, Áo-Hung chớp lấy cơ hội gây chiến tranh bằng cách đổ tội cho Serbia đứng đằng sau vụ ám sát. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.
Biểu đồ mô tả mức độ từ khóa tìm kiếm Archduke Franz Ferdinand sau vụ ám sát Nga do một tài khoản Twitter đăng tải. Ảnh: Vingt minutes |
Theo Vernet, lần này khả năng lặp lại kịch bản như trên dường như không thể xảy ra.
Mâu thuẫn tồn tại giữa Moscow và Ankara là không thể phủ nhận, đặc biệt là xung quanh hồ sơ Syria: Trong khi Nga là đồng minh chính của ông Bashar al-Assad, thì Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn hỗ trợ quân nổi dậy chống Tổng thống Syria.
Nhưng hai nước đã nỗ lực cải thiện quan hệ, kể từ sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga vào tháng 11/2015, vì những lợi ích kinh tế và chiến lược chung.
"Việc so sánh hai sự kiện là không thích hợp bởi bối cảnh của chúng hoàn toàn khác nhau. Trong vụ việc ám sát thái tử Áo, mâu thuẫn giữa hai bên đã lên đến đỉnh điểm và chỉ trực chờ một cái cớ để bùng nổ. Trong khi đó, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực xích lại gần nhau", nhà phân tích địa chính trị và an ninh Michael Horowitz khẳng định.
Không những thế, ngay sau khi sự kiện xảy ra, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấpThổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều lên tiếng cho rằng vụ ám sát này có mục đích phá hoại những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Mạng tin Stratfor của Mỹ cho rằng, hiện cả hai nước đều không muốn làm thụt lùi những tiến bộ kinh tế và ngoại giao đã đạt được trong năm qua, dù với bất cứ lý do gì. Giờ đây, khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tích cực ở sâu bên trong Syria, Ankara cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Moscow hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, sự cố lần này cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhỏ trong quan hệ hai nước, khi giới chức Nga chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về vấn đề an ninh, đồng thời đòi hỏi nhiều quyền tự chủ hơn trong việc bảo vệ đại sứ quán cũng như nhân viên làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow cũng sẽ nhân vụ việc này yêu cầu Ankara phải có lập trường rõ ràng và các biện pháp mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Nếu vụ ám sát đại sứ Nga thực sự là phản ứng giận dữ đối với sứ can thiệp của Moscow trong chiến dịch tái chiếm thành phố Aleppo, thì đây chỉ là một hành động bạo lực trong phút quá khích, đặt trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối Nga hầu hết là ôn hòa diễn ra tại các tòa nhà ngoại giao trên khắp thế giới", Stratfor nhận định.
Xem thêm: Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể nắm chặt tay nhau sau vụ ám sát đại sứ
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn