Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Việc thượng viện Mỹ ngày 27/7 thông qua dự luật áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước quyết định khó khăn: Hoặc ủng hộ nó để thể hiện thái độ cứng rắn với Moscow hoặc phủ quyết và sẽ khiến đảng Cộng hòa của ông phẫn nộ.
Dự luật được thống nhất với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối đã dập tắt hy vọng làm ấm mối quan hệ với Nga, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump đang bị truy vấn trong các cuộc điều tra nghi án Moscow can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, theo Reuters.
Dự luật dài 184 trang nhắm đến những cá nhân bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, cũng như các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt với nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí hay xuất khẩu năng lượng.
Dự luật sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp Nga và có khả năng gây tổn thương thêm cho nền kinh tế nước này, vốn đã suy yếu bởi gói trừng phạt cũ mà phương Tây áp đặt từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu trước phiên bỏ phiếu cho dự luật trừng phạt Nga. Ảnh: Washington Post. |
Dự luật, trong đó có các điều khoản cho phép quốc hội ngăn cản Tổng thống Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Nga, sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để ông Trump ký quyết định đồng ý hoặc phủ quyết.
Đây là dự luật về chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên mà quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Trump. Việc cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều ủng hộ mạnh mẽ dự luật trái ngược hoàn toàn với mối bất đồng gay gắt giữa hai đảng này trong quá trình thảo luận cách cải tổ hệ thống y tế Mỹ.
Trước cuộc bỏ phiếu tại thượng viện, thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, người có tiếng nói ảnh hưởng tại quốc hội Mỹ, kêu gọi áp dụng đường lối cứng rắn chống Nga. Ông khẳng định: "Mỹ cần gửi thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và bất kỳ bên gây hấn nào rằng chúng ta sẽ không dung thứ với những đòn tấn công đánh vào nền dân chủ của ta".
Quyết tâm của thượng viện đồng thời dồn ông Trump vào tình thế rất khó khăn. Khi tiếp nhận dự luật trong vài ngày tới, nếu Trump không ký thông qua nó, ông có 10 ngày để phủ quyết. Quá thời hạn đó, dự luật sẽ tự động phát huy hiệu lực. Nếu Tổng thống Mỹ chọn phủ quyết, dự luật vẫn có thể được áp dụng nếu nhận đủ 2/3 số phiếu từ hạ viện lẫn thượng viện đồng ý bác bỏ lệnh phủ quyết.
Tân giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci cho biết ông Trump có thể phủ quyết dự luật để thúc đẩy một dự luật khác cứng rắn hơn. Đây rõ ràng là một ý tưởng gây nghi ngờ ở quốc hội Mỹ vì suốt những tuần qua, chính quyền Trump luôn tìm cách vận động cho một dự luật trừng phạt Nga nhẹ nhàng hơn.
"Dự luật này không ngăn cản ông ấy đưa những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. Nhưng đó là khả năng không thực tế", Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.
Theo cây bút Richard Lardner từ AP, trước sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng đối với dự luật, Trump không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ký thông qua nó.
Theo một số quan chức Nhà Trắng và cố vấn cho Tổng thống Trump, ông đã nói riêng với họ về nỗi bất mãn trước khả năng quốc hội hạn chế hoặc lấn át quyền lực của ông về các vấn đề an ninh quốc gia.
Nhưng ngay cả khi Trump phủ quyết, dự luật có khả năng nhận được đủ sự ủng hộ ở lưỡng viện quốc hội để lật ngược quyết định của ông và đưa nó phát huy hiệu lực, cây bút Patricia Zengerle của Reuters nhận định.
Cùng ngày, thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng suy đoán ông Trump sẽ ký dự luật.
"Tôi không thể tưởng tượng được việc có người nào đấy suy nghĩ nghiêm túc về quyết định phủ quyết dự luật", Corker cho hay. Theo ông, nếu Trump phủ quyết dự luật, chắc chắn quốc hội sẽ bỏ phiếu bác quyết định của ông.
Dự luật trừng phạt Nga được thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống. Ảnh: Washington Post. |
Hồng Vân
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn