Tuần dương hạm sân bay độc nhất vô nhị của Liên Xô

Thứ bảy - 03/09/2016 19:00

Tuần dương hạm sân bay độc nhất vô nhị của Liên Xô

Kiev là lớp tuần dương hạm hạng nặng kết hợp tàu sân bay hạng trung do Liên Xô chế tạo những năm Chiến tranh Lạnh và không có loại tương tự trên thế giới.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), những năm Chiến tranh Lạnh, Hải quân Liên Xô kém Mỹ nhiều mặt, đặc biệt là hạm đội tàu sân bay. Công nghiệp đóng tàu Liên Xô không đủ khả năng để đóng mới các tàu sân bay tương đương với lớp Kitty Hawk của Mỹ. Mặt khác, Liên Xô không đủ các tàu chiến mặt nước để hộ tống cho tàu sân bay.

Hải quân Liên Xô cần một loại tàu chiến mới để đối phó với hạm đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ. Đầu những năm 1970, các kỹ sư Liên Xô đã đề xuất giải pháp kết hợp tàu sân bay và tuần dương hạm trong cùng một thiết kế. Loại tàu chiến này sẽ có khả năng hoạt động như một tàu sân bay, trong khi có thể tự bảo vệ và tấn công mà không cần tàu hộ tống.

Thiết kế độc đáo

Đề án 1143 Krechyet, lớp Kiev là loại tàu sân bay đầu tiên được xây dựng cho Hải quân Liên Xô với tên gọi tuần dương hạm hàng không hạng nặng. Một kiểu định danh chỉ có ở Liên Xô.

Để đảm nhiệm vai trò vừa tàu tuần dương hạm, vừa tàu sân bay, boong tàu được thiết kế với 2 phần riêng biệt. Hai phần ba chiều dài dọc theo thân tàu bên mạn trái được thiết kế kéo dài hết về phía sau đuôi tàu làm mặt boong cho các máy bay chiến đấu hoạt động. Cấu trúc thượng tầng dạng “hòn đảo nổi” được bố trí phía bên mạn phải.

Tuần dương hạm hàng không lớp Kiev trong một nhiệm vụ trên biển vào năm 1986. Ảnh: Defenseimagery

Phần boong tàu phía trước được trang bị các loại vũ khí hạng nặng để đảm đương vai trò tuần dương hạm. Nhìn từ phía trước Kiev giống một tuần dương hạm, nhìn từ phía sau lại giống một tàu sân bay. Trên thế giới không có loại tàu chiến nào được thiết kế với vai trò tương tự.

Chiếc đầu tiên mang tên Kiev được đưa vào hoạt động năm 1975, chiếc thứ 2 mang tên Minsk biên chế hoạt động năm 1978, chiếc thứ 3 mang tên Novorossiysk đưa vào hoạt động năm 1982, chiếc cuối cùng mang tên Baku (sau đổi thành Đô đốc Gorshkov) được đưa vào sử dụng năm 1987.

Chương trình tuần dương hạm hàng không lớp Kiev được xem là một giải pháp tình thế nhằm đối phó với tàu sân bay hạng nặng lớp Kitty Hawk của Hải quân Mỹ. Nhiệm vụ của tàu là hỗ trợ cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu nổi, hỗ trợ hàng không hải quân cũng như tham gia tác chiến chống tàu mặt nước, tàu ngầm.

Vũ khí cực mạnh

Theo Military Today, để thực hiện vai trò của một tuần dương hạm, phần boong trước của tàu được trang bị 4 cặp tên lửa chống hạm hạng nặng P-500 Bazalt, tầm bắn lên đến 550 km. P-500 được trang bị đầu đạn nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ 350kt. Tên lửa này được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay Mỹ”

2 bệ phóng tên lửa phòng không với 2 tên lửa/bệ sử dụng tên lửa M-11 Storm, cơ số 72 tên lửa, tầm bắn 30 km. 2 ụ pháo hạm nòng kép 76 mm, 8 pháo bắn siêu nhanh AK-630, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm và một cặp rocket chống ngầm SUW-N-1 FRAS.

Riêng tuần dương hạm hàng không Baku cơ số tên lửa P-500 được tăng lên 12 tên lửa, thay thế giá phóng tên lửa M-11 bằng 24x8 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa 9K330 Tor, cơ số 192 tên lửa. Pháo hạm 76 mm được thay bằng pháo 100 mm, bổ sung hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Hệ thống vũ khí này đem lại cho Kiev khả năng tấn công và phòng thủ cực mạnh.

Hệ thống vũ khí cực mạnh trên tuần dương hạm hàng không Baku. Ảnh: Wikipedia

Về vai trò tàu sân bay, phần boong tàu phía sau và nhà chứa máy bay có khả năng mang theo từ 26-30 máy bay các loại.  Gồm  từ 12-13 chiếc tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38, 14 đến 17 trực thăng chống ngầm Ka-25 hoặc Ka-27.

Yak-38 là một tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng độc đáo dựa trên mẫu thiết kế Hawker Siddeley P.1154 của Anh. Máy bay được trang bị 3 động cơ khác nhau, một ở phía trước sau buồng lái phi công dùng để cất, hạ cánh, 2 ở phía sau hỗ trợ hạ cánh và để hành trình. Tiêm kích tàng hình F-35B của Mỹ cũng có kiểu bố trí động cơ tương tự.

Không giống các tàu sân bay của Mỹ cần phải có đội tàu hộ tống đi cùng. Tuần dương hàng không Kiev có thể tác chiến một cách độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các tàu hộ tống, bởi bản thân nó đã có khả năng tấn công và phòng ngự mạnh mẽ.

Tàu có chiều dài 273 m, chiều rộng phần lớn nhất 53 m, nhỏ nhất 31 m, mớn nước 10 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 42.000 tấn, đầy tải 45.500 tấn. Thủy thủ đoàn 1600 người bao gồm cả nhân viên hàng không. Kiev được trang bị 8 nồi hơi sử dụng để làm quay 4 tuabin hơi nước truyền động cho chân vịt 4 trục với tổng công suất 200.000 mã lực, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các tàu sân bay lớp Kiev phải ngưng hoạt động vào năm 1993 do thiếu kinh phí. Kiev và Minsk  bị bán cho Trung Quốc vào năm 1995 và 1996. Novorossiysk bán cho Hàn Quốc và bị tháo dỡ vào năm 1997.

Riêng Đô đốc Gorshkov thì may mắn hơn, khi tàu này chuẩn bị “lên thớt” thì Ấn Độ đã đồng ý mua lại và hoán cải thành tàu sân bay INS-Vikramaditya. Phần vũ khí phía trước được loại bỏ để thiết kế thành đường băng kiểu “nhảy cầu” cho tiêm kích MiG-29K hoạt động.

Mặc dù có khoảng thời gian phục vụ chỉ 18 năm, từ năm 1975-1993  song chương trình tàu tuần dương hàng không lớp Kiev đã để lại nhiều ấn tượng về một thiết kế “2 trong 1” độc đáo.

Nga vật lộn với chương trình tàu sân bay mới

Những khó khăn về tài chính và năng lực công nghiệp đóng tàu cỡ lớn khiến chương trình tàu sân bay năng lượng hạt nhân của Nga phải kéo dài đến sau năm 2020.

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây