Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp tại Washington năm 2015. Ảnh: AP |
"Trung Quốc sẽ cố gắng phản đối bất kỳ thảo luận nào về tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, các nước muốn thúc đẩy vấn đề này chiếm ưu thế hơn, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và hầu hết các thành viên của châu Âu", Tiến sĩ Sam Bateman, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trao đổi với VnExpress về nội dung cuộc họp nhóm các nền kinh tế lớn G20 diễn ra tại Trung Quốc trong hai ngày 4-5/9.
Ông Bateman phân tích, Trung Quốc và Nga dường như đang thiết lập một liên minh chiến lược trên thực tế, một trong những bằng chứng là hai nước sắp có cuộc tập trận chung của hải quân diễn ra từ 12-19/9 ở Biển Đông.
Theo ông Bateman, tại G20 lần này, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ nhắm vào thảo luận phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) đưa ra giữa tháng trước, theo đó bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các nước liên quan đến tranh chấp làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật quốc tế, đồng thời nêu quan ngại về diễn biến hiện nay trên biển.
Nhiều nước cũng sẽ nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không. Các bên tranh cấp ở Biển Đông cần tìm kiếm con đường giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, theo ông Bateman.
Các nội dung này từng được một số thành viên chủ chốt của G20 như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italy và Canada nêu rõ trong tuyên bố sau cuộc họp của nhóm G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5. Các nước đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp hòa bình. Tuyên bố này của nhóm G7 đã khiến Trung Quốc tức tối.
"Trung Quốc sẽ ở thế rất khó khăn", ông Gerhard Will, chuyên gia của Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức dự đoán về chủ đề Biển Đông tại cuộc họp G20. Vị chuyên gia này nhấn mạnh cho đến nay chưa có nước nào thuộc G20 ủng hộ Trung Quốc khi Bắc Kinh phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài, do đó Trung Quốc sẽ bị cô lập và khó có thể ngăn các nền kinh tế lớn thảo luận về căng thẳng ở Biển Đông.
Dưới góc nhìn từ bên trong nội bộ Trung Quốc, ông Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu National Interest, Mỹ, đánh giá Bắc Kinh sẽ làm mọi điều cần thiết để các nước không thảo luận về tình hình Biển Đông cũng như phán quyết mới đây của Tòa trọng tài, hoặc nếu có thì cũng ở mức không đáng kể.
"Trung Quốc muốn người dân nước này và người dân trên thế giới thấy rằng Bắc Kinh đã đạt đến mức một cường quốc, nếu không phải là siêu cường, để có thể tổ chức hội nghị G20 một cách thành công", ông Kazianis nói.
Tuy nhiên, chuyên gia người Mỹ lưu ý các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, việc xây dựng các đảo nhân tạo hay các động thái tiêu cực khác, dù là chủ đề các nước quan tâm, có thể bị hạn chế ở bên lề cuộc họp.
Trung Quốc sẽ tìm cách "lái" vấn đề theo cách mà họ muốn, chẳng hạn như các nước cần tìm kiếm "các giải pháp cùng có lợi", rằng "chỉ có đàm phán song phương mới giải quyết được vấn đề", hoặc Bắc Kinh tìm kiếm một thỏa hiệp "vì lợi ích chung".
Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy thảo luận về các vấn đề kinh tế mà nước này nhấn mạnh từ vài tuần trước. Tất cả các động thái này nhằm chuẩn bị để Trung Quốc leo thang căng thẳng tại Biển Đông sau hội nghị G20, trong bối cảnh Mỹ phải tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, theo ông Kazianis.
Kazianis dự báo Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, lắp đặt các vũ khí tiên tiến như tên lửa sát thủ tàu sân bay DF-21D, thậm chí có thể cải tạo bãi cạn Scarborough.
Nhận định tình hình của Trung Quốc sau phán quyết của Toà trọng tài, ông Kazianis cho rằng Bắc Kinh phải tăng lời lẽ cứng rắn và việc chấp thuận bất kỳ thoả hiệp nào sẽ bị người dân nước này coi là yếu đuối. Nhượng bộ với các đối thủ trong khu vực là điều Trung Quốc khó chấp nhận và chính điều đó gây căng thẳng cho cả khu vực.
"Hãy chờ xem điều gì xảy ra tại G20. Tôi sẽ không muốn là đại diện của Trung Quốc trong tình cảnh này", ông Will nói.
Xem thêm: Putin - thượng khách của ông Tập ở G20
Việt AnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn