Người dân San Francisco biểu tình phản đối lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters
Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm công dân từ 7 quốc gia có đa số người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ có thể làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ bằng những tác động tiêu cực đến hai lĩnh vực quan trọng là du lịch và giáo dục đại học, theo AP.
Bình luận viên Christopher S. Rugaber cho rằng những sắc lệnh gần đây của ông Trump bao gồm cả việc xây dựng một bức tường dọc biên giới Mexico có thể khiến khách du lịch và sinh viên từ nhiều quốc gia khác trên thế giới không muốn đến Mỹ nữa.
"Những chính sách cấm nhập cư như thế này chắc chắn sẽ kìm hãm sự tăng trưởng. Ông Trump đang gây trở ngại đối với những nhân tố tích cực trong lĩnh vực trao đổi thương mại toàn cầu", chuyên gia David Kotok, thuộc hãng cố vấn Cumberland nhận định.
Theo Rugaber, khách du lịch nước ngoài đóng góp một phần quan trọng cho GDP Mỹ. Năm 2015, du khách nước ngoài đã chi tiêu tổng cộng 199 tỷ USD cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vé máy bay và nhiều hoạt động giải trí khác.
Một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng sắc lệnh của ông Trump có thể làm tái diễn tình trạng trong giai đoạn 10 năm sau sự kiện 11/9/2001, khi lượng khách du lịch nước ngoài đến Mỹ giảm gần 1/3, khiến nền kinh tế nước này mất khoảng 500 tỷ USD.
Edward Alden, quan chức cấp cao thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng sau vụ khủng bố 11/9, thế giới từng nhận được thông điệp rằng nước Mỹ là một quốc gia không mấy thân thiện để tới thăm, bạn sẽ gặp rắc rối lớn khi tới đây. Và nay, những thông tin về tình trạng hỗn loạn tại nhiều sân bay do sắc lệnh của ông Trump đang được truyền đi khắp thế giới khiến "câu chuyện tiếp tục tái diễn".
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cư
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu từ các chi phí của du học sinh nước ngoài trong năm 2015 là 36 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2012.
Số tiền thu được từ du lịch và giáo dục có thể giúp Mỹ thu hẹp thâm hụt thương mại, điều mà ông Trump từng chỉ trích gay gắt trong suốt chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Adam Sack cho rằng sắc lệnh của ông Trump được đưa ra tại một thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi việc đồng USD tăng giá và sự xuống dốc của các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm Trung Quốc và nhiều nước châu Âu, khiến lượng khách du lịch đến Mỹ sụt giảm.
Trong khi đó, lãnh đạo các trường đại học và cao đẳng của Mỹ đang tỏ ra rất lo ngại.
Theo số liệu của Moody, trong 10 năm qua, số lượng sinh viên nước ngoài tới Mỹ đã tăng 73%. Các du học sinh thường chi trả toàn bộ học phí, đóng góp từ 8 -10% doanh thu từ học phí cho nước này.
Theo Hiệp hội Giáo dục Quốc tế (NAFSA), sau khi chính phủ Mỹ siết chặt các thủ tục cấp thị thực sau vụ khủng bố 11/9, trong đó buộc những người xin thị thực vì mục đích du lịch hay học tập đều phải trải qua vòng phỏng vấn, số lượng đơn xin học của các sinh viên nước ngoài tới Mỹ đã giảm liên tiếp trong 3 năm.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho phép các sinh viên nước ngoài được miễn vòng phỏng vấn khi xin đổi thị thực, tuy nhiên, sắc lệnh mới của ông Trump đã hủy bỏ quy định này.
Giám đốc phụ trách chính sách công của NAFSA Rachel Banks cho rằng điều này sẽ gây ra không ít khó khăn và trở ngại, có thể khiến số lượng sinh viên nước ngoài tới Mỹ giảm dần.
Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ cao cũng phản đối sắc lệnh nói trên của tân Tổng thống vì cho rằng nó tạo bất lợi cho khả năng cạnh tranh của họ trong việc tuyển dụng nhân lực có trình độ cao.
"Apple không thể tồn tại mà không cần người nhập cư", giám đốc điều hành tập đoàn Apple Tim Cook nhấn mạnh.
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn