Trung sĩ John Chapman. Ảnh: New York Times |
Trong chiến dịch mang tên Anaconda diễn ra vào đầu tháng 3/2002 nhằm bao vây và tiêu diệt các tay súng al-Qaeda đóng tại thung lũng Shah-i-Kot, đông Afghanistan, một nhóm trinh sát thuộc đội đặc nhiệm SEAL Team 6 của hải quân Mỹ do trung sĩ Britt Slabinski dẫn đầu được lệnh thiết lập chốt quan sát trên đỉnh núi Takur Ghar, theo New York Times.
Kế hoạch của Slabinski là dùng trực thăng lợi dụng đêm tối đưa đội 6 người của mình xuống gần chân núi Takur Ghar cao 3.000 m rồi bí mật trèo lên đỉnh núi. Nhưng một loạt sự cố liên quan đến máy bay khiến các đặc nhiệm SEAL không còn thời gian để thực hiện phương án trước lúc trời sáng. Slabinski cho biết dưới áp lực từ thượng cấp, anh miễn cưỡng đáp trực thăng xuống đỉnh núi lúc ba giờ sáng.
Tuy nhiên, nhóm trinh sát SEAL không biết rằng các tay súng al-Qaeda đã chờ sẵn ở đó. Chúng tấn công trực thăng với hỏa lực dữ dội. Hạ sĩ nhất Neil C. Roberts bị ngã ra ngoài khi trực thăng đang lơ lửng trên mặt đất khoảng ba mét, nhưng phi công không thể cứu anh ngay mà phải hạ cánh khẩn cấp cách đó vài km.
Rút lui dưới làn đạn
Ngay trước 5h sáng, 5 đặc nhiệm SEAL còn lại và trung sĩ John Chapman, đảm nhiệm vai trò truyền tin, quay lại đỉnh núi Takur Ghar trên một chiếc trực thăng khác nhằm giải cứu Roberts. Họ không biết rằng phiến quân al-Qaeda đã giết hại anh này.
Một lần nữa, họ vấp phải hỏa lực xối xả từ đối phương. Vượt qua lớp tuyết dày ngang đùi, trung sĩ Chapman và Slabinski đã tiêu diệt hai tay súng al-Qaeda núp trong hầm. Tuy nhiên, Chapman trúng đạn và bị thương.
Slabinski có thể nhìn thấy tia laser ngắm bắn từ khẩu súng trường của Chapman dao động lên xuống theo nhịp thở, dấu hiệu cho thấy anh vẫn còn sống. Một đặc nhiệm SEAL khác trong nhóm trinh sát gục ngã giữa làn hỏa lực điên cuồng bằng lựu đạn và súng máy. Slabinski nhận ra rằng nhóm phải rút lui khỏi đỉnh núi ngay tức khắc.
Slabinski ngoái lại nhìn Chapman và thấy tia laser không còn chuyển động nữa. Anh bò đến sát bên Chapman để kiểm tra tình trạng của đồng đội nhưng không thấy bất kỳ phản ứng nào. Thế nên, anh trườn xuống núi và hội quân với các thành viên khác trong nhóm. Khi tất cả đã tìm được chỗ ẩn nấp, một người hỏi: "Chapman đâu?". Slabinski chỉ biết trả lời rằng "Anh ấy đã chết".
Theo lời kể từ Slabinski, kế hoạch anh đặt ra là ẩn nấp, đợi máy bay cường kích đang bay vòng phía trên trút hỏa lực chế áp vào các tay súng al-Qaeda rồi tìm cách tiến lên chiếm đỉnh núi và thu hồi thi thể Chapman.
Tuy nhiên, lựu đạn và súng cối của đối phương đã đẩy các đặc nhiệm SEAL tụt sâu xuống phía dưới đỉnh núi, khiến họ không thể quay lại. Ba lính biệt kích lục quân, một thành viên tổ lái trực thăng và một đặc nhiệm không quân cũng thiệt mạng vào sáng hôm đó sau khi đến tiếp viện cho các đặc nhiệm SEAL.
Điều tra
Đỉnh núi Takur Ghar, nơi Chapman một mình chiến đấu với kẻ thù. Ảnh: New York Times |
Khi chiến dịch kết thúc, một số sĩ quan không quân và lục quân Mỹ đổ lỗi cho các thành viên SEAL đã làm đổ bể kế hoạch.
Không lâu sau, lục quân Mỹ mở cuộc điều tra những sai sót trong chiến dịch Anaconda. Trưởng nhóm điều tra, trung tá Andrew Milani, viết trong báo cáo rằng máy bay cường kích của không quân đã không phát hiện những tay súng al-Qaeda phục kích trên đỉnh núi và đặc nhiệm SEAL "vi phạm nguyên tắc trinh sát cơ bản" khi cho trực thăng đáp trực tiếp xuống điểm mà họ định lập chốt quan sát thay vì leo lên đó.
Ông Milani cũng xem một đoạn video do máy bay không người lái Predator quay lại khoảng 50 phút sau khi các đặc nhiệm SEAL rời khỏi đỉnh núi. Hình ảnh không sắc nét từ video cho thấy có ai đấy trong hầm ngầm chống trả hai kẻ tấn công và giết chết một tên bằng một phát đạn súng trường.
Cuộc điều tra của trung tá Milani vẫn là tài liệu mật nhưng một bản báo cáo khác do ông viết được công bố vào năm 2003 đã đưa ra hai cách giải thích: các tay súng al-Qaeda lúng túng dẫn đến bắn nhầm nhau hoặc trung sĩ Chapman còn sống và tiếp tục chiến đấu. Việc suy luận rằng các đặc nhiệm SEAL có lẽ, dù không cố ý, bỏ lại một đồng đội từ đơn vị đặc nhiệm khác giữa ổ phục kích càng đẩy cao căng thẳng giữa các bên tham gia trận chiến hôm ấy.
Trung sĩ Chapman đã được truy tặng Huân chương Chữ thập vào năm 2003, một phần thưởng ghi nhận lòng dũng cảm chỉ xếp sau Huân chương Danh dự.
Chapman ban đầu gia nhập không quân Mỹ với vai trò kỹ thuật viên máy tính nhưng nhận ra rằng anh không thích hợp với kiểu làm việc ngồi yên một chỗ. Anh quyết định chuyển sang hàng ngũ lính đặc nhiệm thuộc Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt Không quân, đảm nhận vị trí nhân viên điều hợp chiến đấu. Nhiệm vụ của anh là gọi máy bay tiến hành không kích và xử lý liên lạc vô tuyến cho đặc nhiệm SEAL 6 cùng các đơn vị bí mật khác.
Khi gia nhập nhóm trinh sát của Slabinski vào tháng 10/2001, Chapman đã làm việc ở Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt Không quân được hơn 10 năm.
Đơn độc chiến đấu
Trực thăng Chinook của đặc nhiệm lục quân Mỹ bị trúng đạn sau khi hạ cánh trên đỉnh Takur Ghar. John Chapman đã hy sinh sau khi nhổm dậy từ boong-ke để yểm trợ cho chiếc máy bay này. Ảnh: New York Times |
Hơn 14 năm trôi qua kể từ sau trận đọ súng đẫm máu trên đỉnh núi ở Afghanistan, một báo cáo của không quân Mỹ cho rằng Slabinski hoàn toàn sai lầm khi nhận định Chapman đã chết. Thực tế, Chapman không chỉ còn sống mà còn đơn độc chiến đấu chống trả kẻ thù hơn một tiếng đồng hồ sau khi các đồng đội rút lui.
Báo cáo từ các quan chức thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Không quân bác bỏ suy luận của trung tá Milani rằng các tay súng al-Qaeda bắn nhầm vào nhau trong đoạn video mà máy bay không người lái Predator ghi lại. Báo cáo khẳng định có bằng chứng đầy đủ cho thấy sau khi đặc nhiệm SEAL rút đi, Chapman vẫn còn sống và tiếp tục chiến đấu.
Kết luận trên được đưa ra nhờ áp dụng công nghệ nâng cao độ phân giải hình ảnh để phân tích đoạn video do máy bay Predator ghi kết hợp với video do cường kích AC-130 quay.
Theo báo cáo, bằng cách xác định hình ảnh trung sĩ Chapman dưới dạng những ký hiệu phần tử ảnh ngay sau khi anh bước ra khỏi trực thăng cùng các đặc nhiệm SEAL khác, chuyên gia có thể theo dõi toàn bộ mọi bước di chuyển của Chapman trên đỉnh Takur Ghar và vẫn nhận ra anh ngay cả khi Chapman bị cây cối hay các vật cản che khuất một phần.
Dựa vào kết quả phân tích, không quân Mỹ tin rằng Chapman chỉ bất tỉnh chứ không phải đã chết như Slabinski đánh giá. Sau khi hồi tỉnh, anh đã tiếp tục chiến đấu chống lại kẻ thù từ ba hướng.
Báo cáo cũng cho biết Chapman còn bò vào boong-ke trong khoảng 13 phút kể từ khi các đặc nhiệm SEAL rút lui. Đến 6h sáng, Chapman bắn chết một tay súng đang lao đến phía anh sau khi nơi anh ẩn nấp trúng lựu đạn. Ít phút sau, một tay súng khác mon men đến boong-ke và Chapman đã hạ sát tên này trong một cuộc đấu tay đôi.
Không quân cho rằng khi trực thăng Chinook chở các đặc nhiệm lục quân đến tiếp viện, Chapman đã đứng dậy khỏi boong-ke, tìm một góc tốt hơn để yểm trợ. Anh phải đương đầu với hỏa lực súng máy từ kẻ thù trong lúc cố tìm cách giải tỏa áp lực cho các đặc nhiệm lục quân sau khi trực thăng chở họ bị trúng hỏa lực.
Đúng lúc sắp được giải cứu, Chapman bất ngờ bị hai phát đạn súng máy găm vào ngực, giết chết anh ngay lập tức. Song máy quay không thể ghi lại giây phút anh hy sinh.
Lực lượng Mỹ thu hồi thi thể Chapman vào cuối ngày hôm đó với 9 vết thương do đạn bắn trên người. Trình tự các vết thương không được xác định nhưng có hai phát đạn găm vào người anh từ một góc không thể tồn tại trên thực tế nếu dựa vào tường trình của các đặc nhiệm SEAL về nơi anh chết.
Slabinski, nay 46 tuổi và đã nghỉ hưu, thừa nhận bản thân có thể phạm sai lầm khi cho rằng trung sĩ Chapman đã chết trong tình thế chiến đấu căng thẳng.
"Tôi cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với Chapman và tôi chắc chắn 95% rằng anh ấy đã chết. Đấy là lý do khiến tôi quyết định rút lui", Slabinski nói.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James đang đề xuất truy tặng Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội, cho Chapman. Nếu được Tổng thống Mỹ Barack Obama chấp thuận, đây sẽ là Huân chương Danh dự đầu tiên được trao không dựa trên tường thuật từ nhân chứng mà chủ yếu bám vào phân tích công nghệ.
Xem thêm: Chương trình huấn luyện đoạt mạng đặc nhiệm SEAL Mỹ
Hồng Vân
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn