Tiêu diệt khủng bố: Công thức tình báo + đặc nhiệm…
Ngày 22/9, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đưa Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia), ông Sergey Naryshkin làm lãnh đạo mới của Cơ quan Tình báo Đối ngoại nước này (SVR), tổng thống V.Putin đã nói với ông Naryshkin: "Ông hiểu đầy đủ, như chúng tôi, về tình hình mà chúng ta đang đối mặt, về tầm quan trọng của sự thành công của cơ quan này đối với sự phát triển của đất nước.
Tổng thống V.Putin - một cựu nhân viên tình báo Nga nhấn mạnh: "Tình hình quốc tế hiện nay và những quyền lợi chính trị ở trong nước đòi hỏi SVR phải đẩy mạnh hoạt động, trước tiên và trên hết là cung cấp cho lãnh đạo quốc gia các thông tin và dữ liệu phân tích, làm cơ sở cho những phản ứng nhanh nhất trước các vụ tấn công của kẻ thù và khủng bố".
Những tuyên bố và cả bước đi cụ thể của một vị tổng thống từng là sĩ quan tình báo đã cho thấy nước Nga đang có chiến lược hết sức mạnh mẽ dành cho tình báo trong cuộc chiến với khủng bố. Tổng thống Nga V.Putin nói với các tướng lĩnh hàng đầu rằng, Nga cần phải xây dựng các lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo hùng mạnh để có thể đương đầu với hàng loạt mối đe dọa an ninh mới, trong đó có mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố gây ra.
Những tuyên bố của Tổng thống V.Putin đúng lúc Nga đang xúc tiến kế hoạch cải tổ các cơ quan an ninh, sức mạnh và bảo vệ pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, trong đó có việc lên kế hoạch thành lập Bộ An ninh quốc gia (MGB), được nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng thống V.Putin rất có thể sẽ tái lập cơ quan tình báo nổi tiếng thời Liên Xô - KGB để đối phó với các nguy cơ khủng bố đang có xu hướng gia tăng cả ở Nga và trên cấp độ toàn cầu.
Mark Galeotti, chuyên viên tại Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế ở Prague, đồng thời là một chuyên gia an ninh cho biết: "KGB là một trong những đơn vị có lực lượng tình báo và đặc nhiệm mạnh nhất trên thế giới. Nước Nga sẽ có thêm những lựa chọn trong cuộc chiến với khủng bố vốn ngày càng phức tạp".
Không chỉ nước Nga đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của tình báo trong chiến lược chống khủng bố, mà Mỹ, và rất nhiều nước châu Âu khác cũng đặc biệt coi trọng vấn đề này. Trong Chiến lược tình báo quốc phòng của Mỹ, nhiệm vụ chống khủng bố được coi là mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu của hệ thống tình báo Mỹ. Chiến lược này chỉ rõ, bảo đảm các đơn vị tình báo Mỹ có đủ khả năng cung cấp các tin tức để giành thắng lợi trong chiến tranh chống khủng bố, chi viện cho hành động quân sự, tăng cường và thúc đẩy ổn định an ninh khu vực.
Nếu như Nga muốn "hồi sinh" KGB để tạo thành sức mạnh tổng hợp giữa tình báo và đặc nhiệm để tiến hành những nhiệm vụ bí mật và hiệu quả, thì sự kết hợp tình báo và đặc nhiệm cũng là công thức chống khủng bố của Tổng thống B.Obama.
Báo Le Monde (Pháp) phân tích, Lầu Năm Góc kết hợp lực lượng đặc nhiệm và tình báo thành một công thức mà họ coi là có hiệu quả nhất, với hy vọng sẽ đẩy lùi được tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại Syria như đã từng giải quyết cuộc xung đột ở Iraq trong những năm 2000. Sự kết hợp giữa lực lượng đặc nhiệm và tình báo đã từng được sử dụng trên quy mô lớn chống lại Taliban ở Afghanistan cũng là một ví dụ cho thấy Tổng thống Mỹ B.Obama thực sự rất đề cao hình thức này và đã đưa hình thức này trở thành một chính sách quan trọng.
Ông Camille Grand - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) của Pháp nhận định: "Mỹ có một học thuyết quân sự không công khai, được áp dụng dưới thời Barack Obama, trao cho tình báo và lực lượng đặc nhiệm vai trò trung tâm cả trong tác chiến lẫn tổ chức giải quyết các vấn đề trên thế giới. Điều không công khai này giờ đã trở thành sách lược mới".
Mò dấu vết…
Trước những nguy cơ và hành động do chủ nghĩa khủng bố gây ra, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh (MI-6) đã thông báo sẽ tuyển dụng thêm 1.900 nhân viên tình báo mới, trong đó riêng MI-6 sẽ được tăng cường thêm gần 1.000 điệp viên để phục vụ cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Báo Times của Anh, dẫn lời một quan chức cao cấp của MI-6 khẳng định, phải có thêm người để giải quyết được khối lượng lớn các cơ sở dữ liệu kỹ thuật số được MI-6 sử dụng để xác định và vô hiệu hóa các mối đe dọa. Phát biểu trong cuộc hội thảo do Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) tổ chức tại Washington hôm 23/9/2016, ông Alex Younger, Giám đốc MI-6 cho rằng ngành tình báo cần phải thích ứng với sự biến hóa khôn lường của các mối đe dọa, đặc biệt trong thời đại hiện nay khi các phần tử khủng bố lợi dụng công nghệ và mạng internet để thực hiện các âm mưu nguy hiểm.
Chính cuộc cách mạng tin học đã làm thay đổi cách thức hoạt động vốn có của các đối tượng này. Vì vậy, MI-6 quyết định sẽ tuyển dụng thêm nhân viên, ưu tiên những người có sở trường về tin học, bởi theo ông Younger "sự kết hợp giữa công nghệ và tình báo nhân sự" sẽ là trọng tâm của cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Giám đốc MI-6 Alex Yanger, ngoài các điệp viên có khả năng chui sâu vào các tổ chức khủng bố; khả năng phân tích ngôn ngữ đa dạng; những điệp viên "siêu công nghệ" sẽ là những "chiến binh" thực thụ trong vài năm tới đây. Giám đốc MI-6 Alex Yanger tiết lộ, một trong những bước đi đầu tiên mà MI-6 sẽ làm là thiết lập chương trình nhận dạng, quản lý "hệ thống vân tay số". Khi hệ thống này hoạt động, những kẻ nằm trong diện tình nghi khi sử dụng internet, điện thoại thông minh và máy tính bảng để móc nối, chỉ đạo, truyền bá... sẽ bị "tóm sống".
Hai cơ quan tình báo của Đức là Cục Tình báo liên bang (BND) và Cục Bảo vệ hiến pháp (BfV) cũng được tăng cường ngân sách để phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố, trong đó, các khoản tiền hàng trăm triệu USD sẽ được ưu tiên đầu tư cho các dự án dài hạn về giám sát thông tin liên lạc, công nghệ thông tin.
Ví dụ như cho dự án Panos - giải mã các thông tin liên lạc qua các dịch vụ messenger, như WhatsApp, để tìm kiếm các "điểm đen" tình nghi. Ngoài ra, BND cũng dự định chi hàng chục triệu euro xây dựng chương trình "bắt" các cuộc điện thoại vệ tinh; mở rộng chương trình Zerberus theo dõi các liên lạc qua Internet. Để vận hành các chương trình này, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tình báo công nghệ được đặc biệt chú trọng.
Góc khuất tình báo và những "đứa con hư"
Được đầu tư như vậy, tại sao tình báo vẫn thất bại trước hoạt động của khủng bố? Tại sao khủng bố vẫn phát triển, vẫn tồn tại, lớn mạnh, gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho hàng tỷ người trên trái đất?
"Lỗi" của hệ thống tình báo là gì? Có phải đơn giản là họ chủ quan như lời Tổng thống Mỹ B.Obama thừa nhận trên kênh CBS, được phát trên truyền hình tối 28/9/2015, rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã đánh giá thấp mối đe dọa từ IS? Tại sao chỉ vài chục nghìn tay súng cực đoan lại không hề bị suy yếu khi liên quân mấy chục nước liên miên trút bom đạn?
Viện Jamestown Foundation (Mỹ) đưa ra báo cáo cho biết, gần đây Mặt trận Truyền thông Đại chúng Hồi giáo Toàn cầu của Al-Qaeda (GIMF) đang tiến hành Chương trình huấn luyện tình báo và an ninh cho hàng ngàn tay súng. Các "giáo trình" chống hoạt động tình báo… được cho là khá hoàn hảo, không kém gì giáo trình tình báo dạy trong các học viện, nhà trường. Bằng chứng là "sản phẩm" khủng bố khi ra lò có thể xuyên qua các hàng rào an ninh, ẩn nấp và tổ chức thành công nhiều vụ tấn công khắp thế giới.
Theo tiết lộ, chương trình huấn luyện này được chia thành 4 phần chính. Phần nội dung này do các "điệp viên" thuộc các tổ chức khủng bố đã thâm nhập thành công cơ quan an ninh, tình báo của nhiều nước "tìm hiểu" và viết ra. Phần huấn luyện hành động chống phản gián, tình báo tập trung vào hoạt động của nhóm tình báo và tiêu chuẩn được áp dụng để tuyển mộ các thành viên của nhóm.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, các "điệp viên" sẽ được trang bị các kiến thức tình báo có liên quan đến khu vực hoạt động, trong đó có cả những bức ảnh khu vực do các chiến dịch trinh sát thánh chiến chụp trước đó. Các bức ảnh sẽ thể hiện các biện pháp an ninh được đối phương áp dụng xung quanh các tòa nhà nhạy cảm và nhiều chi tiết an ninh khác của đối phương.
Có chiến lược đầu tư tài chính, thậm chí là "bệ phóng" chính trị để xây dựng vỏ bọc ngụy trang như làm cán bộ, nhân viên công ty nhà nước, đóng giả nhà báo, doanh nhân, lái xe taxi hay các ông chủ nhà hàng… để dễ bề hoạt động và tổ chức hoạt động.
Huấn luyện trao đổi tài liệu mật; thông tin liên lạc; cách sử dụng Internet và điện thoại di động để kết nối liên lạc có độ bảo mật cao; cách cất giấu thư tay, biện pháp bảo mật an ninh cá nhân để các "điệp viên" có thể áp dụng khi hoạt động. Chương trình còn có nội dung huấn luyện các phương pháp thu thập tin tức tình báo như tiến hành các cuộc gặp gỡ bí mật và các biện pháp thu thập tin tình báo trực tiếp bằng các phương tiện kỹ thuật.
Về tuyên truyền, mặc dù các biện pháp phản tuyên truyền được đưa ra trong chương trình huấn luyện là cơ bản, nhưng khóa huấn luyện đã tìm cách nâng cao nhận thức của các nhân viên tình báo về các hoạt động tuyên truyền của lực lượng chống khủng bố nhằm giảm bớt hiệu quả các nỗ lực của các lực lượng an ninh chống hoạt động tình báo.
Hầu hết các nội dung huấn luyện trên có thể được coi là huấn luyện an ninh và tình báo thông thường, trừ nội dung huấn luyện các hoạt động chui sâu leo cao. Các hoạt động này được coi là tình báo chiến lược và được áp dụng bởi hầu hết các cơ quan tình báo hiện đại nhằm chống lại các mục tiêu ưu tiên ở những khu vực rủi ro cao.
Chương trình huấn luyện tình báo sau khi áp dụng thành công còn được chuyển ngữ sang tiếng Anh cho tất cả các nhân viên tình báo đang hoạt động tại Mỹ và châu Âu. Rõ ràng, đây là một dấu hiệu cho thấy các nhân viên tình báo thánh chiến đang chuẩn bị kế hoạch tấn công khủng bố trong tương lai ở các nước mục tiêu.
Cuộc đua giữa các cơ quan tình báo của các nước trong việc chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của các nhóm khủng bố, chủ nghĩa khủng bố đang ở đỉnh điểm của sự quyết liệt. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự mâu thuẫn về lợi ích của các nước đã tạo đất sống cho khủng bố.
Nhìn vào cuộc chiến Syria, sẽ thấy rõ, mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm khi tất cả các bên nghi kỵ nhau, không chia sẻ gì với nhau, thậm chí bên này tạo điều kiện cho lực lượng đối địch của bên kia phát triển để công phá nhau… Kết cục… kẻ hưởng lợi nhiều nhất là lực lượng khủng bố, chủ nghĩa khủng bố. Nếu không có sự tranh đoạt lợi ích, không có sự mâu thuẫn về lợi ích, liệu có những Nhà nước Hồi giáo tự xưng, liệu có những tư tưởng cực đoan phát triển.
Nhìn lại lịch sử sẽ thấy rõ, tại sao khủng bố có thể "xuyên" qua bất kỳ hàng rào an ninh tối tân nào để thực hiện các hành vi đánh bom, tấn công, bởi chúng được sinh ra từ chính các cơ quan tình báo có tiếng nhất, những "hàng rào", cách thức hoạt động của các cơ quan tình báo đó chúng đã "thuộc như lòng bàn tay". Những tổ chức được sinh ra, những hoạt động đã diễn ra tại Afghanistan từ thập kỷ 70-80 là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Chỉ vì lợi ích hẹp hòi, nhiều quốc gia gần đây cũng đã có dấu hiệu tài trợ cho khủng bố để quấy nhiễu nước khác và để thực thi các cuộc mặc cả chính trị, tiền bạc lớn hơn cái mà họ bỏ ra "đầu tư" cho các nhóm khủng bố. Chính thế mà NATO cáo buộc cơ quan tình báo Pakistan hậu thuẫn Taliban; Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho một số lực lượng tham chiến ở Syria… Kể cả những nước lớn, đã có nhiều báo cáo bị tiết lộ cho thấy, có sự dính líu sâu của các cơ quan tình báo các nước lớn thậm chí "bắt tay" với các nhóm cực đoan với mục đích gây rối, phá hoại cơ sở của các "đối tác khó bảo".
Cuộc chiến giữa tình báo với khủng bố hay cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Tiêu diệt nhóm này thì chính các tổ chức tình báo lại đẻ ra nhóm khác. Cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích sẽ không dừng lại. Vì thế cuộc chiến giữa tình báo và các nhóm khủng bố mãi ở trong một vòng luẩn quẩn.
Theo Nguyễn Hòa (tổng hợp)
An ninh thế giới
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn