Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters |
"Hillary Clinton thiếu sức khỏe thể chất và tinh thần để đối đầu với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và tất cả đối thủ của chúng ta - không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố, mà cả trong thương mại và mọi thách thức khác", ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuần trước nói, khi các tin đồn về sức khỏe của bà Clinton được liên tục lan truyền trên mạng xã hội và truyền thông bảo thủ.
Theo CNN, những đồn đoán về sức khỏe của nữ ứng viên đảng Dân chủ bắt nguồn từ sự kiện tháng 12/2012. Vài ngày trước khi bà Clinton lần đầu tiên điều trần trước quốc hội Mỹ về cuộc tấn công khủng bố tại Benghazi, bà Clinton bị chấn động não sau khi bị mất nước và ngất xỉu. Cuộc điều trần đáng lẽ diễn ra vào ngày 20/12 bị hoãn lại cho đến khi bà bình phục.
Các đối thủ chính trị của bà Clinton, đặc biệt là ông John Bolton - thành viên đảng Cộng hòa từng là đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, mỉa mai rằng bà cố tình giả ốm để tránh cuộc điều tra của quốc hội.
Bà Clinton nhập viện và phải sử dụng thuốc làm loãng máu để tan cục máu đông đằng sau tai phải của bà. Theo các bác sĩ của bà Clinton, cục máu đông không dẫn đến đột quỵ hoặc bất kỳ biến chứng thần kinh khác.
Ngày 23/1/2013, bà Clinton đã ra điều trần trước ủy ban thượng viện và hạ viện Mỹ về vụ tấn công Benghazi.
Tháng 5/2014, hơn một năm sau khi bà Clinton rời Bộ Ngoại giao Mỹ, chiến lược gia đảng Cộng hòa Karl Rove gây chú ý khi nói rằng bà Clinton đã bị tổn thương não vào năm 2012. "30 ngày trong bệnh viện? Và khi tái xuất, bà ấy đeo kính chỉ dành cho người bị chấn thương sọ não?" ông nói, theo New York Post.
Tuy nhiên, ông Rove một ngày sau rút lại bình luận của mình. Politifact cũng chỉ ra rằng nhận xét của ông về chiếc kính bà Clinton đeo là sai.
Những ồn ào xoay quanh câu chuyện này lắng xuống vào năm sau. Tháng 7/2015, bác sĩ lâu năm của bà Clinton, Lisa Bardack, nói rằng các cuộc kiểm tra năm 2013 cho thấy bà đã hoàn toàn bình phục.
Thuyết âm mưu nở rộ
Một video được quay trong chuyến thăm của bà Clinton đến một cửa hàng bánh tại Washington ngày 10/6 năm nay lại tiếp tục làm dấy lên đồn đoán về sức khỏe, khi bà Clinton lắc đầu mạnh trong vài giây.
Một blogger ủng hộ ông Trump đã đăng lại video với cái tên: "Ôi! Có phải Hillary Clinton bị co giật" và video ngay lập tức được chia sẻ rộng rãi.
Trong vài tuần sau, truyền thông bảo thủ và đội ngũ tranh cử của ông Trump cũng liên tục khai thác chủ đề này. Người dẫn chương trình của Fox News, Sean Hannity, một người ủng hộ đảng Cộng hòa, đã mời các chuyên gia đến để xem video.
Tuy nhiên, tiến sĩ Fiona Gupta, bác sĩ thần kinh học, cho rằng "không thể đánh giá chỉ dựa trên video".
Lisa Lerer, phóng viên AP có mặt tại quán bánh nói trên, bác bỏ thông tin nói rằng bà bị co giật. Cô cho rằng phản ứng của bà Clinton có lẽ là nhằm tránh trả lời câu hỏi hoặc bà có thể bị bất ngờ vì các phóng viên nói quá to và nhiều người nói cùng một lúc.
Khi video này vẫn còn gây xôn xao, trang blog có tên American Mirror and Drudge Report đã đem một bức ảnh cũ ra bàn luận. Bức ảnh được chụp vào tháng hai cho thấy bà Clinton được giúp đỡ lên cầu thang bên ngoài một tòa nhà ở North Charleston, South Carolina.
Hillary Clinton (áo xanh) trượt chân bên ngoài một tòa nhà ở North Charleston. Ảnh: Reuters |
"Tình trạng sức khỏe của Hillary Clinton phải là một vấn đề lớn của chiến dịch tranh cử năm 2016", bài viết trên trang blog có đoạn. "Bằng chứng mới nhất là bà Clinton được vài người giúp đi lên bậc tam cấp bên ngoài một căn nhà".
Tuy nhiên, chú thích gốc của bức ảnh này khi nó được đăng trên hãng tin nói rằng bà Clinton chỉ đơn giản là trượt chân khi bước lên bậc tam cấp để vào SC Strong, cơ sở phi lợi nhuận giúp đỡ các tội phạm hoàn lương, người nghiện ma túy và người vô gia cư.
Khi ngày càng nhiều thuyết âm mưu xuất hiện, ông Trump lặp đi lặp lại ý kiến rằng bà Clinton luôn mệt mỏi và quá yếu để xử lý khối lượng công việc của Nhà Trắng.
Trên Twitter và trang blog, nhiều người tập trung vào hình ảnh mà họ nói rằng vệ sĩ của bà Hillary mang theo ống tiêm tự động chứa thuốc chống co giật. Tuy nhiên, phát ngôn viên Mật vụ Mỹ Nicole Mainor bác bỏ thông tin này và giải thích rằng vật mà vệ sĩ cầm là đèn pin.
Vật bị nghi là ống tiêm tự động. Ảnh: Twitter |
Chưa dừng lại ở đó, một tài khoản Twitter có tên HillsMedRecords còn chia sẻ "hồ sơ bệnh án bị rò rỉ" của bà Clinton, trong đó nữ ứng viên tổng thống được chuẩn đoán là mắc chứng mất trí khởi phát sớm. Snopes.com, trang web kiểm tra thực tế, nhanh chóng dập tắt thuyết âm mưu này. Bác sĩ của bà Clinton tuyên bố tài liệu này là "giả, không được viết bởi tôi và không dựa trên bất kỳ cơ sở y học nào". Bác sĩ của bà cũng nhiều lần lặp lại rằng cựu ngoại trưởng đủ sức khỏe để gánh vác vị trí đứng đầu nước Mỹ.
Hồi đầu tuần, bà Clinton đã bình luận về vấn đề này. "Tôi không biết lý do tại sao họ lại khơi chuyện đó ra", bà nói. "Tôi nghĩ rằng đó là một phần của chiến lược nói những điều điên rồ và có thể một vài người sẽ tin bạn".
Dường như ngay cả thành viên nổi bật của đảng Cộng hòa cũng mệt mỏi với các thuyết âm mưu xoay quanh sức khỏe của bà Clinton. Sau khi kênh Fox chiếu một đoạn video cho thấy bác sĩ Drew Pinsky trong chương trình "Celebrity Rehab" nói về mối lo ngại nghiêm trọng đối với nữ ứng viên, cựu chủ tịch hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã mất kiên nhẫn.
"Tôi rất tôn trọng các bác sĩ trên truyền hình, nhưng một bác sĩ chưa bao giờ gặp bệnh nhân mà lại đưa ra những phân tích phức tạp, chi tiết, họ dựa vào điều gì?", ông Gingrich nói.
"Tôi sẽ rất thận trọng và tôi muốn nhắn nhủ đến các bác sĩ là họ phải rất thận trọng khi quyết định phân tích ai đó".
Xem thêm: Bài phát biểu ở Trung Quốc đưa Hillary Clinton ra vũ đài chính trị thế giới
Quỹ từ thiện tỷ đô gây rắc rối cho bà Clinton vào Nhà Trắng
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn