Cảnh sát Mỹ dựng hàng rào bê tông để bảo vệ Tháp Trump. Ảnh: New York Post |
Chỉ vài ngày sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/11, Tháp Trump nổi tiếng ở khu phố Manhattan, New York của ông đã biến thành một trung tâm quyền lực, được bảo vệ nghiêm ngặt bậc nhất nước Mỹ, theo Le Monde.
Ngay sau khi ông Trump đắc cử, cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành một lệnh cấm bay tạm thời, cấm mọi phương tiện bay tiếp cận tòa Tháp Trump trong phạm vi bán kính 3 km ở độ cao 1.000 m.
Trong khi đó hàng trăm cảnh sát và đặc nhiệm Mỹ cũng được điều động tới đây để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho tòa nhà. Cảnh sát hiện đã thiết lập các rào chắn và trạm kiểm soát bên ngoài Tháp Trump, khiến giao thông ở khu vực này bị ảnh hưởng. Khi ông Trump di chuyển, họ cũng phong tỏa các con đường.
"Giao thông khu vực gần tòa tháp thật kinh khủng, toàn bộ nếp sống thường ngày bị đảo lộn. Thậm chí khách hàng muốn ghé qua những cửa hàng sang trọng như Tiffany hay Gucci nằm trong tháp cũng đều phải qua trạm kiểm tra an ninh", Zoe, nhân viên công sở làm việc gần tòa tháp cho biết.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho rằng đây là một thách thức an ninh chưa từng có đối với thành phố trong nhiều năm qua.
"Điều này chưa từng xảy ra, chúng tôi không bao giờ tưởng tượng ra được tình huống một tổng thống Mỹ lại định cư thường xuyên tại trung tâm một thành phố đông đúc như New York", ông Blasio nói trong một cuộc họp báo.
Chi nhánh của Nhà Trắng tại New York
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tháp Trump. Ảnh: Channel News Asia |
Bình luận viên Philippe Randé của France Info nhận định, ngoài việc an ninh được tăng cường, các hoạt động thường ngày diễn ra tại Tháp Trump cho thấy nó dường như đã trở thành một trụ sở quyền lực mới, hay nói cách khác một chi nhánh của Nhà Trắng tại New York.
"Bạn có thể dễ dàng bắt gặp đại sứ Israel, hay bộ trưởng Tư pháp tương lai của Mỹ hối hả rời khỏi thang máy của tháp mà không có bất cứ nhân viên bảo vệ nào đi kèm. Mọi việc diễn ra như ở Nhà Trắng", Randé cho biết.
Cũng tại Tháp Trump, Tổng thống đắc cử Mỹ đã đón tiếp những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên, trong đó có Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử đối ngoại nước này.
Ngoài ra, mọi hoạt động liên lạc tại Tháp Trump cũng được tiến hành tương tự tại phòng Bầu Dục. Tại đây, Tổng thống đắc cử Mỹ nhận được tin nhắn chúc mừng trực tiếp từ các chính khách và chính phủ nước ngoài mà không cần thông qua kênh của Bộ Ngoại giao
Những cuộc trao đổi điện đàm với các nguyên thủ, trong đó có cả Tổng thống Nga Putin được thiết lập trực tiếp, tương tự các đường dây bảo mật cao được lắp đặt tại phòng làm việc của tổng thống ở Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng nhận được cuộc gọi từ Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull bằng một số điện thoại cá nhân rất ít người được biết.
Quan trọng hơn hết, Tháp Trump chính là nơi ông Trump cùng đội ngũ chuyển giao quyền lực của mình đưa ra những quyết định về nhân sự của bộ máy chính quyền Mỹ trong thời gian tới, và tổ chức các cuộc gặp gỡ với những cá nhân được lựa chọn, trong đó có Michael Flynn (được cất nhắc làm cố vấn an ninh quốc gia tương lai), Jeff Sessions (bộ trưởng Tư pháp) và Mike Pompeo (giám đốc CIA).
"Với việc đệ nhất phu nhân Mỹ tương lai Melania Trump và con trai Barron sẽ tiếp tục ở lại Tháp Trump sau khi chồng bà, ông Donald Trump, nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2017. Tòa nhà nổi tiếng này sẽ tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt và có thể cũng là nơi ông Trump đưa ra những quyết sách quan trọng của nước Mỹ trong thời gian tới", bình luận viên Randé nhận xét.
Xem thêm: 'Cánh tay phải' gây nhiều tranh cãi của Donald Trump
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn