Tiêm kích bom Su-34 Nga không kích ở Syria. Ảnh: Sputnik |
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria đã kéo dài một năm, và Moscow đã thành công trong việc giữ vững chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga vẫn chưa hoàn thành những mục tiêu chiến lược mang tầm siêu cường trong cuộc xung đột này, và tham vọng lớn của họ khó có thể đạt được trong tương lai gần.
Mark Galeotti, chuyên gia về Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Prague, cho rằng khi phát động chiến dịch không kích ở Syria, ông Putin đã ấp ủ tham vọng chứng minh Nga vẫn là một siêu cường có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, và gửi một thông điệp rõ ràng tới cả phương Tây lẫn các đồng minh của mình ở Đông Âu và Trung Á, theo NYTimes.
"Nếu Nga mang dáng vẻ của một siêu cường, họ phải sát cánh cùng các đồng minh, nhất là khi số lượng đồng minh rất ít ỏi", ông Galeotti nói.
Theo bình luận viên Max Fisher của Interpreter, với chiến dịch không kích quy mô lớn của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc giành lấy một chiếc ghế trong bất cứ bàn đàm phán nào về tương lai của Syria. Tuy nhiên các trận ném bom đó hầu như chưa thay đổi được thế bế tắc trên chiến trường, khi bản đồ vùng kiểm soát ở Syria gần như không thay đổi suốt một năm qua.
Chiến trường bế tắc
Trên mặt trận quân sự, chiến dịch can thiệp của Nga đã cầm chân được phe nổi dậy, làm suy yếu đáng kể các nhóm phiến quân, giúp quân đội chính phủ Syria củng cố vị thế phòng ngự và bắt đầu phản công. Các chiến đấu cơ của Nga cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo điều kiện cho quân chính phủ vây hãm thành trì Aleppo của phe nổi dậy.
Tuy nhiên, Genevieve Casagrande, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, cho rằng các lực lượng bộ binh thân chính phủ Syria vẫn còn quá ít ỏi và yếu kém để có thể giành được thắng lợi, vấn đề mà các cuộc không kích của Nga không thể khắc phục được. Kết quả là cục diện chiến trường Syria đã đỡ bất lợi hơn cho ông Assad, nhưng vẫn hoàn toàn bế tắc.
Quân đội Syria không kiểm soát thêm được nhiều lãnh thổ kể từ khi Nga phát động chiến dịch không kích. Đồ họa: NYTimes |
"Điều chúng ta sắp chứng kiến chỉ là một cuộc xung đột kéo dài hơn", bà Casagrande nói, cảnh báo rằng chiến dịch quân sự của Nga chính là chất xúc tác để các nhóm nổi dậy Syria đoàn kết hơn với nhau.
Sau nhiều tháng vây hãm, dù được không quân Nga yểm trợ hỏa lực dữ dội từ trên không, quân đội Syria vẫn không thể đánh bật được quân nổi dậy ra khỏi thành trì Aleppo. "Thật khó để nhận thấy nhiều thành quả về mặt tác động chiến lược", Galeotti nhận xét về chiến dịch can thiệp quân sự của Nga.
Khi các cuộc không kích của Nga không còn đem lại lợi thế quá lớn cho quân đội chính phủ Syria chiến đấu trên mặt đất, họ ngày càng phải trông cậy nhiều hơn vào các sĩ quan chỉ huy và các nhóm dân quân Iran đang sát cánh cùng họ.
Bộ binh Syria lóng ngóng học chiến thuật đi theo xe tăng ở Aleppo
Hiệu ứng ngược
Trên mặt trận ngoại giao, cuộc can thiệp của Nga đã buộc Mỹ phải mời họ vào bất cứ cuộc đàm phán nào về tương lai Syria. Dù không thể chiếm thế thượng phong trước Mỹ trên bàn đàm phán, ông Putin giờ đây là một trong số ít các nhà lãnh đạo có thể phủ quyết bất cứ thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình nào. Điều đó giúp Nga duy trì ảnh hưởng và cả các căn cứ quân sự của mình ở Syria, đảm bảo lợi ích của Moscow ở Syria thời hậu chiến.
Tuy nhiên, Nga vẫn bị phương Tây cô lập và cấm vận kinh tế, bất chấp những nỗ lực tìm tiếng nói chung. Năm ngoái, trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc, ông Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng Nga thành lập một "liên minh quốc tế rộng rãi thực sự" để chiến đấu chống chủ nghĩa cực đoan.
Các chuyên gia phân tích cho rằng với lời kêu gọi này, ông Putin muốn đưa ra một "cuộc mặc cả lớn", buộc Mỹ và châu Âu phải hủy bỏ các lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga, để đổi lại sự giúp đỡ của Moscow trong cuộc chiến Syria. Nhưng một năm sau, không có thêm nước nào gia nhập liên minh đó, và cũng không có bất cứ cuộc "mặc cả lớn" nào trở thành hiện thực.
Chiến dịch không kích của Nga ở Syria còn gây hiệu ứng ngược, khi không thể kéo Nga lại gần phương Tây hơn, mà trái lại còn khiến Mỹ và các nước châu Âu nổi giận với những lời cáo buộc liên tiếp về số dân thường thiệt mạng trong các cuộc ném bom của Nga.
Quân nổi dậy Syria chiến đấu ở thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters |
Theo bà Casagrande, Nga không có lực lượng đáng tin cậy trên mặt đất để chỉ thị mục tiêu cho các cuộc không kích, bởi vậy họ chỉ dựa vào chiến thuật dội bom tất cả những khu vực nghi ngờ do phe nổi dậy kiểm soát. Hậu quả là nhiều dân thường thương vong trong các cuộc không kích được tiến hành bằng vũ khí không dẫn đường.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Nga đến nay vẫn chỉ dẫm chân tại chỗ với những thành quả mang tính chiến thuật ở Syria, nhưng từ đó đến các tham vọng siêu cường mang tính chiến lược của Moscow ở Trung Đông vẫn còn một khoảng cách rất xa.
"Cả trên chiến trường và trong lĩnh vực ngoại giao, những kỳ vọng lớn nhất của ông Putin đều chưa thể thành hiện thực. Nga đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Syria, khi không thể bỏ rơi chính quyền của ông Assad, bởi điều đó có thể hủy hoại hình ảnh siêu cường của Moscow. Nhưng nếu bám trụ lại, họ sẽ khó có thể tìm được giải pháp cho cuộc xung đột, và chỉ khiến gánh nặng chi phí ngày càng lớn", Galeotti nhấn mạnh.
Xem thêm: 4 cú đấm thép Mỹ có thể tung ra trên chiến trường Syria
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn