Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4 tới đây, chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự chính là tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Vào đầu tháng 6 tới, ông Kim cũng sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và cùng bàn bạc về vấn đề tương tự.
Tuy nhiên, mỗi bên có liên quan như Hàn Quốc, Mỹ, Triều Tiên dường như đang hiểu về phi hạt nhân theo một cách khác nhau và điều này được cho là có thể gây nên những nhầm lẫn và tệ hơn có thể khiến các cuộc đàm phán bế tắc, theo CNN.
Về phía Mỹ và Hàn Quốc, khái niệm phi hạt nhân hóa được hiểu bằng khái niệm "CVID", nghĩa là xóa bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân Triều Tiên một cách có thể thẩm tra và không thể đảo ngược. Theo chuyên gia Josh Pollack từ học viện Middlebury, Mỹ, khái niệm này đã được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bắt đầu sử dụng từ tháng 10/2006. Từ đó tới nay, thuật ngữ phi hạt nhân hóa vẫn ám chỉ CVID theo quan điểm của Mỹ và Hàn Quốc.
Theo đó, nếu Triều Tiên lựa chọn phi hạt nhân hóa theo cách hiểu của Mỹ, Bình Nhưỡng sẽ phải từ bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân hiện có, cam kết không tái khởi động trong tương lai và quy trình này sẽ được một bên thứ 3 và các nhà quan sát độc lập giám sát.
Hàng chục năm qua, Mỹ và Hàn Quốc đã theo đuổi mục tiêu này. Vào năm 1991, Bình Nhưỡng và Seoul đã cùng ký tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai năm sau, Triều Tiên cho biết họ sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, vì có nhiều yếu tố bên ngoài tác động mà những cam kết trên đã không thành hiện thực.
Hiện tại Mỹ vẫn đang kỳ vọng vào cuộc họp thượng đỉnh lần này với Triều Tiên. Tổng thống Trump tự tin cho biết ông sẽ làm được những điều mà những người tiền nhiệm chưa thực hiện được. Nhưng ông cũng tuyên bố sẵn sàng rời đi nếu kết quả cuộc họp không được như kỳ vọng.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon cho rằng giữa 2 miền Triều Tiên dường như không có sự khác biệt về khái niệm phi hạt nhân hóa.
Quan điểm của Triều Tiên
Theo Tân Hoa Xã, khi ông Kim Jong-un nói về các cuộc đàm phán nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa, ông dường như không nói rằng điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ phi hạt nhân hóa, mà ám chỉ phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Theo chuyên gia quân sự David Maxwell của viện nghiên cứu Mỹ Triều Tiên, phi hạt nhân hóa trong khái niệm của Bình Nhưỡng bao gồm cả phi hạt nhân hóa Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Pollack cho rằng Triều Triên dường như sẽ đưa vấn đề quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc vào chương trình nghị sự.
Dù Mỹ không đặt vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc từ năm 1992, nhưng theo quan điểm của chính quyền ông Kim Jong-un, sự hiện diện quân sự của Washington dường như được coi là mối đe dọa hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Theo ông Pollack, việc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân dường như một phần là do họ lo ngại mối liên minh quân sự giữa Seoul và Washington. Vì vậy, nếu Mỹ yêu cầu Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân, Triều Tiên được cho là cũng sẽ yêu cầu Mỹ đưa quân khỏi Hàn Quốc. Khi đó, sự bất đồng trong quan điểm về phi hạt nhân hóa giữa các bên có thể sẽ khiến cục diện đàm phán có sự thay đổi nhất định.
Chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leeds, Adam Cathcart, cho biết hy vọng của các quan chức Mỹ về việc Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ chương trình hạt nhân sau cuộc đàm phán tới dường như là quá lạc quan.
Ông Cathcart lấy ví dụ về Iran và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Về mặt nguyên tắc, Iran đã đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và sản xuất uranium để đổi lại việc các lệnh cấm vận sẽ bị gỡ bỏ. Song thực tế, các bên còn quá thiếu niềm tin lẫn nhau cũng như thiếu đi sự thấu hiểu để hiệp định có thể thực thi một cách thực sự hiệu quả.
“Họ có thể sẽ đồng thuận về mặt nguyên tắc phi hạt nhân hóa. Và quá trình thực thi dường như sẽ khó lòng xảy ra”, ông Pollack dự đoán về kết quả hội nghị thượng đỉnh giữa các bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong thời gian tới.
Đức Hoàng
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn