Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)
Một trong những dấu hiệu xáo trộn đó là việc Mike Rogers, một cựu nghị sĩ bang Michigan và từng đứng đầu Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, bất ngờ rút khỏi đội hình.
Trong tuyên bố hôm qua, ông Rogers nói: “Tôi rất tự hào về đội ngũ mà chúng ta đã hình thành để thảo ra những chính sách có ý nghĩa, cũng như đưa ra hướng dẫn hành động trước các thách thức an ninh quốc gia phức tạp mà đất nước đang phải đối mặt”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ông sẵn sàng trao lại nhiệm vụ điều hành đội ngũ chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence.
Một dấu hiệu xáo trộn khác nữa là theo một quan chức trong đội ngũ chuyển giao quyền lực, ông Trump đã sa thải Matthew Freedman - một quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Matthew Freedman là người điều hành một công ty tư vấn ở Washington, chuyên tư vấn các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài để làm ăn với chính phủ Mỹ. Trong đội ngũ của ông Trump, ông Freedman phụ trách kết nối ông Trump với các lãnh đạo thế giới sau bầu cử.
Thêm vào đó, việc bổ nhiệm một số nhân sự của ông Trump cũng đang gây không ít tranh cãi. Hồi đầu tuần, ông Trump bất ngờ quyết định bổ nhiệm ông Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Cộng hòa (RNC) làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, và ông Stephen Bannon - cựu giám đốc điều hành hãng tin Breitbart News, làm Giám đốc chiến lược. Mặc dù, chàng rể Jared Kushner và ông Priebus được coi là quân sư đắc lực cho ông Trump, nhưng rõ ràng với quyết định này, ông Trump đang đặt vị thế của ông Bannon trên cả họ.
Trong khi đó, trước khi Phó Tổng thống đắc cử Pence đảm nhận vai trò phụ trách đội ngũ chuyển giao quyền lực, vị trí này thuộc về cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie. Việc liên tục “thay tướng” ngay những ngày đầu và được cho là do đấu đá nội bộ này cho thấy sự xáo trộn trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump. Politico dẫn lời quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, ông Pence hiện chưa ký văn bản chính thức nào để cho đội ngũ chuyển giao quyền lực bắt đầu phối hợp với đội ngũ trợ lý của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama nhằm chuyển giao chính quyền.
Một trợ lý giấu tên của ông Trump nói rằng, sự chậm trễ này là do văn bản liên tục phải điều chỉnh, cập nhật. Tuy rằng, văn bản cuối cùng có thể được ký vào cuối ngày 15/11, nhưng sự chậm trễ này có thể thách thức những nỗ lực của tổng thống mới đắc cử trong việc kiểm soát bộ máy hành chính liên bang và xây dựng đội ngũ nhân sự đầy đủ khi nhận nhiệm sở.
Theo kế hoạch, ông Trump chỉ còn khoảng 70 ngày nữa sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Trong thời gian đó, Tổng thống đắc cử phải thiết lập đội ngũ để đảm nhận các cơ quan hành chính và tuyển chọn 4.000 nhân sự giúp ông điều hành.
Minh Phương
Theo Politico, NYTimes
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn