Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh các vấn đề liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11.
Bà Clinton sẽ "rắn" với Trung Quốc về Biển Đông
Hiện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Về cơ bản, bà Clinton đang có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn. Nhiều người cho rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được chú ý hơn nếu bà Clinton thắng cử. Vậy ý kiến của ông ra sao?
Bà Hillary Clinton và Tổng thống Barack Obama chính là tác giả của chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương. Bà cũng có một quá trình sát cánh với Tổng thống Obama trong chính sách đối ngoại khi còn làm ngoại trưởng Mỹ. Vì thế, quan điểm của bà ấy với chiến lược này là rất rõ ràng. Nếu bà Clinton đắc cử Tổng thống thì việc xoay trục sẽ được tiếp tục thực hiện, thậm chí sẽ được đẩy mạnh hơn so với thời ông Obama.
Ở góc độ kinh tế, bà Clinton có thể sẽ mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dưong, trong đó có Hiệp định TPP. Khi còn giữ chức ngoại trưởng Mỹ, bà từng đưa ra nhiều dấu hiệu ủng hộ các cuộc đàm phán TPP.
Từ sau khi hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2/2016, bà Clinton có vẻ không ủng hộ nhiều chi tiết của bản thỏa thuận. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một thủ thuật vận động tranh cử trong bối cảnh chính trị Mỹ phản đối tự do thương mại để làm sao bà ấy có thể giành được nhiều phiếu bầu nhất từ các cử tri.
Liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, tôi cho rằng, bà Clinton sẽ rất cứng rắn với Trung Quốc như bà từng tuyên bố trước đó khi còn làm ngoại trưởng Mỹ rằng Washington phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực đối với bất kỳ bên tranh chấp nào tại Biển Đông.
Có nhận định cho rằng nếu đắc cử, ông Trump sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề liên quan đến kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới nước Mỹ và có thể vì lợi ích nào đó của nước Mỹ, Trump có thể thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ông bình luận như thế nào về nhận định này?
Đúng là trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump hầu như không nói gì tới vấn đề an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương mà chủ yếu thể hiện quan điểm gay gắt của mình với Trung Quốc từ khía cạnh thương mại và tiền tệ. Về chính sách đối ngoại, trong các phiên tranh luận, ông Trump nhấn mạnh vào ưu tiên trước hết tới vấn đề của chính nước Mỹ, thay vì các đồng minh của Mỹ hay các vấn đề mà Washington không liên quan trực tiếp.
Ông Trump cho rằng, bản thân nước Mỹ còn gặp nhiều khó khăn, nên các đồng minh và các quốc gia khác cần tự lực là chính và cùng gánh vác, chia sẻ với Mỹ về những vấn đề quốc tế nói chung.
Chính vì những phát ngôn đó của ông Trump nên có thể dư luận cho rằng, ông sẽ lơ là vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, một tổng thống không thể muốn gì là làm theo ý mình mà khi đưa ra chính sách phải dựa trên cương lĩnh của đảng.
Hồi tháng 7 năm nay, đảng Cộng hòa của Mỹ đã thông qua văn bản về cương lĩnh mới so với đại hội năm 2012 chỉ trích gay gắt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bản cương lĩnh chỉ rõ những hoạt động nạo vét, xây dựng cảng, đường băng của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo vốn không tồn tại trước đó tại Biển Đông là yêu sách hết sức phi lý.
Ông Trump không thể đi ngược lại những gì Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa đã khẳng định trước đó, nhưng với cá tính của Donald Trump, có thể sẽ có biên độ dao động lớn về chính sách với một số điều chỉnh nhất định.
Ở đây, theo tôi, quan điểm như vậy của ông Trump cũng có thể là một thủ thuật tranh cử để giành lấy phiếu bầu từ người Mỹ.
Quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển tốt đẹp với những bước tiến mới. Vậy theo ông, mối quan hệ này sẽ thế nào dưới thời của tổng thống mới của Mỹ?
Có thể thấy quan hệ Việt-Mỹ đi theo chiều tiệm tiến từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ với hiểu biết sâu sắc hơn, khác biệt dần được thu hẹp. Mỹ xem Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong chiến lược xoay trục của mình.
Nếu bà Clinton trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách xoay trục của Mỹ nói chung và quan hệ Việt-Mỹ nói riêng sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Từ năm 2000 đến nay, bà Clinton sang Việt Nam 4 lần trên các cương vị khác nhau, điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của bà tới Việt Nam.
Còn ông Trump không đề cập tới Việt Nam trong các phiên tranh luận của cuộc bầu cử này, tuy nhiên, chính sách của Tổng thống phải dựa trên cương lĩnh của đảng. Cương lĩnh của đảng Cộng hòa khẳng định Mỹ cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, tuy còn gắn với một số vấn đề.
Theo tôi, dù ông Trump hay bà Clinton lên nắm quyền, điều đó không ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ. Hơn nữa, chính sách đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào đều có sự nhất quán và không thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Mỹ là siêu cường toàn cầu nên họ càng phải nhất quán, minh bạch.
Ông Trump và nguy cơ xung đột thương mại Mỹ-Trung
Liệu "Tổng thống" Hillary Clinton hay "Tổng thống’"Donald Trump sẽ ứng xử thế nào trong quan hệ với như các nước lớn, thưa ông?
Ông Trump đã từng nhiều lần tuyên bố sẽ nỗ lực chống lại các chính sách của Trung Quốc dẫn đến tình trạng thiên lệch trong cán cân thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới.
Ông Trump lên án Trung Quốc về phá giá tiền tệ, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt nhiều thuế suất lên các hàng hóa Trung Quốc để "trừng phạt” nếu ông trở thành Tổng thống của nước Mỹ. Vì vậy khi đó, khả năng xung đột thương mại giữa hai bên sẽ xảy ra.
Về an ninh, ông Trump tuy không muốn đối đầu với Trung Quốc nhưng vẫn phải tuân thủ cương lĩnh của đảng Cộng hòa, chứ sẽ không thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Trong những phát biểu gần đây, ông Trump có vẻ thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Putin, có thể do hai bên chia sẻ quan điểm chung về chống khủng bố. Nhưng, trên thực tế, hai nước còn tồn tại những vấn đề tranh cãi, trong đó có Ukraine.
Với bà Clinton, như tôi đã nói ở trên, bà ấy sẽ rất cứng rắn với Trung Quốc ở khía cạnh tranh chấp Biển Đông.
Nếu Tổng thống Mỹ là bà Clinton, quan hệ Mỹ-Nga sẽ tiếp tục căng thẳng. Trong khi đó, bà ấy sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông dự đoán ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này?
Cho đến bây giờ, cơ bản bà Clinton có nhiều cơ hội nhiều hơn, nhưng không phải Donald Trump không có cơ hội chiến thắng.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã để lại hậu quả nặng nề cho nước Mỹ, dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ chính trị, giữa các đảng của Mỹ. Nhiều người không thỏa mãn với đường lối chính sách hiện nay của Mỹ, và cho rằng Mỹ phải vượt qua hậu quả đó để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ. Họ cho rằng, bà Clinton sẽ không có nhiều thay đổi so với ông Obama vì thế khó có thể tạo ra đột phá cho nước Mỹ.
Chính vì thế dù bị chỉ trích, chê bai nhiều, nhưng ông Trump vẫn được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ và được kỳ vọng là người có thể mang lại những nét mới trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Không loại trừ khả năng ông Trump thắng cử nếu bầu cử phổ thống đại cử tri cả hai không đạt đủ số phiếu cần thiết.
Nam Hằng (Thực hiện)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn