Theo Manila Times, Ủy ban Thượng viện về trách nhiệm của công chức và điều tra Philippines sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm điều tra hoạt động khai thác đất đá trái phép tại tỉnh Zambales (Philippines) rồi “tuồn” cho phía Trung Quốc để xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Richard Gordon sẽ dẫn đầu cuộc điều tra này, bắt đầu từ tuần tới.
Trước đó, Manila Standard đã đưa tin về hoạt động khai thác đất đá “đáng báo động” của Trung Quốc tại các ngọn núi ở tỉnh Zambales. Tân Tỉnh trưởng Zambales Amor Deloso cho biết những người Trung Quốc đóng giả làm thợ mỏ và tìm cách chuyển số đất đá khai thác ra bãi cạn Scarborough. Cựu Tỉnh trưởng Zambales Hermogenes Ebdane được cho là người đã cấp phép khai thác và “bật đèn xanh” cho phía Trung Quốc.
“Cần phải quy kết trách nhiệm cho các cá nhân đứng đằng sau hành vi cực kỳ bất thường, bất hợp pháp và nguy hiểm này, bởi không chỉ phá hủy môi trường mà còn coi thường pháp luật của chúng ta”, Thượng nghị sĩ Pafilo Lacson, người đã yêu cầu nghị viện mở cuộc điều tra, cho biết.
Trong bản kiến nghị, ông Lacson đã trích dẫn báo cáo về các hoạt động khai thác được cho là đã san phẳng các ngọn núi và phá hủy một vùng rộng lớn các cao nguyên ở thị trấn Santa Cruz thuộc tỉnh Zambales. Ông cũng trích dẫn báo cáo của Thị trưởng Deloso cho biết đất và đá được lấy từ các khu vực này đã được “vận chuyển, đổ xuống và bồi đắp khoảng 3.500 hecta đảo nhân tạo ở biển Tây Philippines (Biển Đông), gây ra thiệt hại không thể kể xiết đối với môi trường sinh thái biển”. Các hoạt động khai thác mỏ ở Zambales không chỉ gây ra những tổn hại chưa từng có mà còn ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên cũng như cuộc sống của các cư dân sống gần các khu vực khai thác mỏ.
Trước đó, năm 2011, Cựu Tỉnh trưởng Zambales Hermogenes Ebdane đã cấp phép khai thác khoáng sản cho một doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp này sau đó đã tiến hành nhiều hoạt động khai thác trái phép từ nguồn tài nguyên của tỉnh. Năm 2015, cơ quan chức năng đã tố giác những hành vi sai phạm của ông Ebdane và cáo buộc ông về tội nhận hối lộ, cố ý làm trái quy định của nhà nước và trộm cắp tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông nhằm đòi hỏi yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh tự ý vẽ ra tại vùng biển này. Yêu sách này đã bị Tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn