Hai phi công Trung Quốc trên tiêm kích J-10, phiên bản huấn luyện. Ảnh: Reuters. |
Viện nghiên cứu Chính sách RAND của Mỹ hồi cuối tháng 10 công bố báo cáo đánh giá rằng phi công quân sự Trung Quốc từ lâu vẫn tồn tại hai điểm yếu lớn nằm ở tư duy chiến thuật và khả năng ứng phó trong các tình huống không được lên kế hoạch từ trước.
Các hạn chế này được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tác chiến của một trong những lực lượng không quân lớn nhất và tinh nhuệ nhất thế giới.
Theo các chuyên gia quân sự của RAND, điểm yếu này xuất phát từ cách thức huấn luyện phi công chiến đấu của Bắc Kinh. Theo đó, các phi công trong quá trình huấn luyện thường bị phụ thuộc quá nhiều vào sự điều khiển và kiểm soát của bộ phận chỉ huy dưới mặt đất. Họ cũng thường chỉ diễn tập trong những môi trường chiến đấu giả định chưa sát với thực tế chiến trường.
Gần đây, các tướng lĩnh không quân Trung Quốc mới bắt đầu có những biện pháp cải tổ phương pháp huấn luyện để trang bị cho phi công những kỹ năng cần thiết nhằm đánh bại những đối thủ mạnh như Mỹ.
Trọng tâm của phương pháp này là huấn luyện phi công trong "điều kiện chiến đấu thực tế" như tác chiến ban đêm, tác chiến trong môi trường gây nhiễu điện tử phức tạp, tác chiến trong môi trường địa lý đặc biệt và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Không quân Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm biện pháp cho phép phi công có nhiều quyền tự chủ hơn và phải tự chịu trách nhiệm về kế hoạch và hành trình bay của mình, đồng thời không phụ thuộc nhiều vào trạm kiểm soát mặt đất.
Bên cạnh đó, hoạt động huấn luyện chuyên môn cao không theo kịch bản có sẵn trên chiến trường cũng được triển khai. Điều này được cho là nhằm nhắc nhở phi công về khả năng chiến đấu thực sự của họ, thay vì việc cố gắng hoàn thành bài kiểm tra để đạt điểm cao.
Tuy nhiên, phi công chiến đấu Trung Quốc vẫn bị đồng nghiệp Mỹ bỏ xa trên phương diện chiến thuật và kỹ năng chiến đấu, bởi trên thực tế, họ còn thiếu khả năng ứng phó với các tình huống thay đổi đột ngột trên chiến trường và đưa ra các quyết định độc lập khi đang bay.
Nhiều phi công vốn quen với việc tuân theo chỉ dẫn của chỉ huy từ trạm điều khiển mặt đất vẫn chưa thể làm quen với những kỹ năng này.
Theo RAND, hiện một số phi công Trung Quốc thậm chí khó có thể tấn công chính xác mục tiêu trên mặt đất do bị phụ thuộc vào các mệnh lệnh của chỉ huy mặt đất về hành trình bay hay các kế hoạch không kích, cũng như tâm lý e dè không dám mạo hiểm.
Báo cáo của RAND nhận định, để xây dựng cho phi công khả năng tự chủ thật sự trong những tình huống không có trong kịch bản, Trung Quốc có thể sẽ phải mất hàng chục năm và đòi hỏi một hệ thống đồng bộ có thể đánh giá chính xác những điểm yếu và sai sót.
Xem thêm: Trung Quốc ôm mộng siêu cường hàng không nhờ tiêm kích J-20
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn