Nỗ lực thách thức Trump của Obama sau khi rời nhiệm sở

Thứ hai - 23/01/2017 00:10

Nỗ lực thách thức Trump của Obama sau khi rời nhiệm sở

Obama có thể lên tiếng nếu ông cảm thấy các chính sách của Trump đi quá giới hạn, tuy nhiên, ảnh hưởng của ông chưa chắc đã thật sự sâu rộng.

Obama gặp Donald Trump tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 10/11/2016. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo cuối cùng vào ngày 18/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ lên tiếng nếu các giá trị cốt lõi của Mỹ bị đe dọa trong thời kỳ ông Donald Trump cầm quyền, chẳng hạn như việc tước quyền bỏ phiếu hay hạn chế tự do ngôn luận.

Khi phát biểu chia tay người dân nước Mỹ vào tối 10/1, Tổng thống Barack Obama cũng thể hiện mong muốn trở thành một chiến lược gia đầy ảnh hưởng vì sự hùng mạnh của nước Mỹ. Ông không trực tiếp chỉ trích người kế nhiệm nhưng việc ông sử dụng những câu như "Tôi phản đối sự phân biệt đối với người Mỹ theo đạo Hồi" có hàm ý công kích Trump, theo NBC News.

Trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, Obama và các trợ lý của ông tỏ ý rằng ông sẽ hạn chế dính líu đến chính trị trong tương lai và tập trung vào việc viết hồi ký, mở rộng chương trình từ thiện hay đi thuyết giảng như các cựu tổng thống khác.

Tuy nhiên, giờ đây, các thành tựu quan trọng của Obama như chính sách về biến đổi khí hậu hay Obamacare đang đứng trước nguy cơ bị ông Trump và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát bãi bỏ. Trong khi đó, đảng Dân chủ của ông đang trong tình cảnh xáo trộn và nhiều người dân Mỹ cũng như trên thế giới đang hoang mang trước những gì Tổng thống Trump có thể mang đến.

Vậy nên, Obama đang bắt đầu phát tín hiệu về một tương lai sau khi rời nhiệm sở khác với cựu tổng thống George W. Bush, người gần như hoàn toàn rút khỏi chính trường sau 8 năm cầm quyền. Obama đã nói rằng ông sẽ đốc thúc đảng Dân chủ tổ chức hiệu quả hơn, như việc bồi dưỡng, đề cử các ứng viên mạnh cho các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp bang và hội đồng trường học ở địa phương khắp cả nước để bảo đảm các ứng viên của đảng vận động ở nhiều khu vực bảo thủ hơn.

Không ngồi im nếu Trump vượt giới hạn

"Có lẽ có đôi lúc, thậm chí trong năm đầu tiên Trump làm tổng thống, nếu tôi cho rằng các giá trị cốt lõi của chúng ta bị đe dọa, tôi có thể phải lên tiếng", ông Obama nói và liệt kê một số trường hợp như yêu cầu người Hồi giáo phải đăng ký để chính quyền quản lý.

Một số đồng minh của Obama cũng đang chuẩn bị gánh vác trọng trách bảo vệ di sản của ông. Cựu bộ trưởng tư pháp Eric Holder, bạn thân của Obama và là người đại diện cho bang California, đang chuẩn bị bảo vệ các chính sách tự do mang dấu ấn Obama của bang này nếu chúng xung đột với các mục tiêu của Trump.

Một nhóm các quan chức dân cử ở các bang ủng hộ đảng Dân chủ, bao gồm Rahm Emanuel, cựu chánh văn phòng của Obama giai đoạn 2009-2010 và nay là thị trưởng Chicago, đã cam kết chống lại Trump nếu ông tìm cách trục xuất hàng loạt người cư trú không có giấy phép tại Mỹ.

Một nhóm thành viên trẻ của đảng Dân chủ, những người đã điều phối mạng lưới cơ sở cho các cuộc vận động của ông Obama cũng như các trợ lý cấp thấp ở Nhà Trắng, đang cân nhắc tranh cử ở hội đồng lập pháp các bang và các cơ quan chính quyền khác.

Obama nói trong buổi họp báo cuối cùng: 'Chúng ta rồi sẽ ổn thôi'

'Đến lúc người khác tiến lên'

Đảm nhận một vai trò chủ động không có nghĩa là Tổng thống Obama sẽ luôn hiện hữu trong mắt công chúng, các trợ lý của Obama cho biết.

"Tổng thống có cơ hội to lớn trong 8 năm qua để thường xuyên phát biểu, thường xuyên viết các bài xã luận về các chủ đề gần gũi và quan trọng với ông ấy. Thời gian dành cho ông ấy để làm những điều như vậy một cách thường xuyên đã qua rồi và tôi không kỳ vọng ông sẽ làm như thế với tư cách là cựu tổng thống", người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên hôm 13/1.

"Đã đến lúc để cho người khác tiến lên. Tổng thống tin rằng có nhiều thành viên đảng Dân chủ mang trong mình những giá trị, đam mê và kỹ năng phù hợp", Earnest nói thêm.

Obama và phu nhân của ông sẽ rời Nhà Trắng với tỷ lệ tín nhiệm cao và có lẽ là những biểu tượng đoàn kết nhất cho một đảng Dân chủ bị chia rẽ bởi phe dân túy và phe truyền thống bấy lâu nay.

Bình luận viên Perry Bacon của NBC News cho rằng Obama được đặt vào vị thế phải đóng vai trò giống như Bill Clinton đã đảm nhận trong 16 năm qua, đó là tác động đến các quyết định của đảng Dân chủ ở hậu trường và công khai vận động cho các ứng viên của đảng này.

Obama có mối quan hệ tốt với nhiều thành viên đảng Dân chủ đang có triển vọng trở thành các lãnh đạo chủ chốt trong đảng này, từ ứng viên thống đốc bang Virginia Tom Perriello hay Tom Perez, người có thể được bầu làm chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, cho đến các thượng nghị sĩ Cory Booker và Kamala Harris, những người có thể quyết định ra tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Người ủng hộ cần Obama dẫn dắt

Johanna Maska, người làm trợ lý cho Obama giai đoạn 2007-2015, nhận xét rằng những người ủng hộ Obama không nên kỳ vọng tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ dẫn dắt phong trào chống lại Trump.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Obama khác cho rằng ông cần đóng vai trò to lớn cho đến khi đảng Dân chủ có một người đại diện tiêu biểu khác.

"Mọi người đang tuyệt vọng. Chúng tôi cần một người lãnh đạo. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi cần ông ấy và Michelle", Stefanie Brown, người vận động cử tri người Mỹ gốc Phi trong cuộc vận động tranh cử của Obama năm 2012, cho biết.

"Không ai khác có thể tập hợp mọi người như cách ông ấy làm. Ông ấy phải làm điều này. Nếu không tự mình làm, ông ấy cần chọn một vài người và nói 'Đây là những người mà tôi sẽ hậu thuẫn'", Brown nói.

Giới hạn của cựu tổng thống

Bacon nhận định rằng nếu Obama chỉ lên tiếng khi Trump có những hành động đe dọa giá trị cốt lõi của nước Mỹ, điều đó sẽ hạn chế tầm ảnh hưởng của ông.

Nhưng ngay cả khi Obama muốn đảm nhận một vai trò công khai hơn, khả năng tác động của ông cũng rất nhỏ ở Washington, nơi đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội và bất đồng với gần như mọi thứ mà ông đã làm trong 8 năm qua.

Bình luận viên này cho rằng không nên đánh giá quá cao ảnh hưởng của Obama trong tiến trình cải cách đảng Dân chủ. Phe cánh của hai thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren, những người đánh giá Obama quá thận trọng và ôn hòa, dường như đang trỗi dậy.

Những thất bại muối mặt của đảng Dân chủ ở các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp bang, thống đốc bang và Quốc hội trong 8 năm cầm quyền của Obama cũng có thể làm giảm trọng lượng lời khuyên của ông với các lãnh đạo đảng này, Bacon đánh giá.

Hồng Vân

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây