Mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bắt đầu với một xuất phát gượng gạo, với cái bắt tay nghiến răng trong một cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels trước khi Tổng thống Pháp chỉ trích lãnh đạo Mỹ về lập trường xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu.
Hai người dường như rất khác nhau và có thể được coi là đối đầu nhau . Trump, 71 tuổi, là một người chống lại chủ nghĩa toàn cầu, với ưu tiên "nước Mỹ trước tiên" và rất khó đoán về chính sách đối ngoại. Macron, 39 tuổi, ủng hộ việc châu Âu đoàn kết và coi mình như một nhà môi giới quan hệ quốc tế.
Rung chuyển chính trường
Tuy nhiên, hai tân tổng thống này lại có nhiều điểm chung. Cả hai đều được coi là "người ngoại đạo" chưa bao giờ nắm giữ các vị trí dân cử trong chính quyền (Macron từng được tổng thống tiền nhiệm chỉ định làm bộ trưởng kinh tế), có cam kết làm rung chuyển chính trường truyền thống.
Tuần trước, Macron đã có bài phát biểu dài 90 phút trước quốc hội, tuyên bố ý định loại bỏ 1/3 trong số 577 nghị sĩ của Pháp. "Người Pháp đã mất kiên nhẫn với một thế giới chính trị được tạo ra bởi những cuộc cãi vã vô ích và những tham vọng rỗng tuếch", Macron nói.
Phát ngôn này giống như cách nói văn hoa hơn của khẩu hiệu Trump thường nhắc đến khi tranh cử: "rút cạn đầm lầy tại Washington".
Chống khủng bố
Trong chiến dịch tranh cử, Trump hứa sẽ "đánh bom tơi bời" nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tịch thu dầu từ vùng nhóm kiểm soát và đưa hình thức tra tấn trấn nước trở lại (nạn nhân bị trói chặt và bị dội nước vào mặt, gây ra cảm giác tương tự khi bị ngạt nước và sắp chết đuối). Khi trở thành tổng thống, ông đã ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm tạm thời hạn chế người nhập cảnh từ một số quốc gia Hồi giáo lớn, tuy nhiên, những lệnh này chưa được đi vào hiệu lực do thách thức từ tòa án.
Macron từng bị cho là quá mềm mỏng về vấn đề khủng bố trong chiến dịch tranh cử nhưng cách suy nghĩ này đã biến mất trong vài tháng đầu tiên ông làm tổng thống Pháp. Ông khiến nhiều người ủng hộ bất ngờ khi đề xuất thay đổi luật về quyền hạn của chính phủ để đảm bảo an ninh quốc gia.
Pháp đã được đặt dưới tình trạng khẩn cấp kể từ ngày 14/11/2015, sau khi chiến binh Hồi giáo tấn công nhà hát ở Paris, khiến 130 người thiệt mạng. Trong 18 tháng kể từ đó, cảnh sát được quyền khám xét nhà không cần giấy phép và quản thúc tại gia một số cá nhân nếu cảm thấy họ khả nghi. Macron đề xuất biến những quyền lực chỉ mang tính tạm thời này thành cố định. Hồi đầu tuần, hơn 200 nhà nghiên cứu và học giả Pháp đã lên án tình trạng khẩn cấp trong một bức thư công khai.
Quan hệ không tốt đẹp với truyền thông
Trump đã gọi truyền thông là "kẻ thù của người dân" và thường cho rằng họ "đưa tin giả dối". Vài giờ trước khi lên máy bay tới Paris, Trump viết trên Twitter rằng truyền thông đang "săn phù thủy" (cố tình bới lông tìm vết để bôi nhọ) sau khi con trai cả của ông thừa nhận đã gặp một luật sư Nga với mong muốn tìm kiếm thông tin gây bất lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch năm 2016.
Trong khi đó, Macron gây tranh cãi khi muốn tự mình lựa chọn những nhà báo được tháp tùng ông trong một chuyến thăm quân đội Pháp đóng tại Tây Phi. Nhóm Phóng viên Không biên giới cho rằng việc này "gửi đi tín hiệu xấu với truyền thông". Ông cũng phá vỡ truyền thống tổ chức họp báo vào ngày Quốc khánh Pháp. Một quan chức trong dinh tổng thống Pháp nói rằng ông Macron có quá trình suy nghĩ phức tạp nên ông không hợp với hình thức hỏi đáp của các phóng viên.
Ngoài ra, hai lãnh đạo còn cho thấy họ rất yêu thích các đặc quyền đi kèm với việc làm tổng thống. Trong hai tháng sau khi Macron nhậm chức, ông đã hai lần tổ chức bài phát biểu trước công chúng tại Lâu đài Versailles (lâu đài tráng lệ từng là nơi ở của vua Pháp), trong khi Trump thích cho các đoàn quay tin tức tham quan Phòng Bầu dục và tổ chức một số sự kiện trong Vườn Hồng.
Patrick Weil, một học giả Pháp nhận xét có "nét tự luyến" giống nhau trong sự yêu thích quyền lực của hai người. "Họ đều muốn sự chú ý của công chúng", ông nói.
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn