Những bức ảnh gây ảnh hưởng nhất thế giới mọi thời đại (1)

Thứ sáu - 18/11/2016 22:07

Những bức ảnh gây ảnh hưởng nhất thế giới mọi thời đại (1)

Tạp chí Time danh tiếng vừa công bố 100 bức ảnh ấn tượng và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong gần 200 năm qua của các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới, trong đó mỗi tác phẩm lại mang đến cho người xem những cảm xúc khác nhau thông qua những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

Bức ảnh “Bàn tay của bà Wilhelm Röntgen” do nhà vật lý người Đức Wilhelm Conrad Röntgen chụp vào năm 1895. Đây là bức ảnh chụp bằng tia X quang đầu tiên trên thế giới.Ông Wilhelm là người đầu tiên phát hiện ra tia X sau khi dành nhiều tuần nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về một loại bức xạ đặc biệt. Sau đó để kiểm chứng cho giả thuyết mới của mình, ông đã chụp bàn tay của chính vợ mình trong bức ảnh chụp bằng tia X đầu tiên. Phần hình tròn màu đen trong bức ảnh là chiếc nhẫn của bàWilhelm Röntgen. Sau đó, nhờ những cống hiến của mình, ông Wilhelm Conrad Röntgen đã được trao giải Nobel Vật lý đầu tiên vào năm 1901.
Bức ảnh “Bé gái trong nhà máy dệt sợi” do Lewis Hine, nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh điều tra của Ủy ban Lao động Trẻ em Quốc gia Mỹ, chụp năm 1908. Lewis Hine thường xuyên phải giả danh là người làm nhiều công việc khác nhau để tìm cách tiếp cận gần 2 triệu trẻ em bị bóc lột sức lao động trong các xí nghiệp, nhà xưởng, mỏ khoáng sản và chụp ảnh cũng như lưu lại thông tin trong một cuốn sổ bí mật. Những bức ảnh của ông đã gây được tiếng vang lớn, giúp thức tỉnh xã hội về tình trạng lao động trẻ em và dẫn đến sự ra đời của các đạo luật điều chỉnh. Theo đó, số lượng lao động trẻ em đã giảm xuống còn một nửa từ năm 1910 đến 1920.
Bức ảnh “Người mù” do Paul Strand chụp năm 1916. Nhiếp ảnh gia Strand là người đi tiên phong cho loại hình nhiếp ảnh tư liệu hoàn toàn mới có tên gọi là nhiếp ảnh đường phố. Ông sử dụng một ống kính giả để đánh lạc hướng nhân vật ông định chụp, trong khi vẫn đặt máy ảnh ở một góc độ khác mà nhân vật không hề biết. Mục đích của việc làm này là nhằm cho ra đời những bức ảnh chân thực nhất của người đối diện thay vì đi theo phong cách chụp ảnh “diễn sẵn” thông thường. Đó là lý do vì sao gương mặt và ánh mắt của người phụ nữ mù lại quay về hướng khác trong bức ảnh trên.
Bức ảnh “Người xếp gạch” của August Sander, chụp một người đàn ông làm nghề mang vác gạch ở Cologne, Đức vào năm 1928. Đây là phong cách chụp ảnh và cũng là mục tiêu chủ đạo trong nghệ thuật nhiếp ảnh của August Sander. Nhiếp ảnh gia Sander mong muốn chụp ảnh mọi tầng lớp trong xã hội, từ bác sĩ, nông dân, đầu bếp cho tới người ăn xin, vì đối với ông, mọi người đều có thể học hỏi được điều gì đó từ những cá thể trong xã hội này.

Bức ảnh có tên gọi “Bữa trưa trên tòa nhà chọc trời” được chụp vào năm 1932 nhưng chưa rõ tác giả của bức ảnh. Bức ảnh chụp 11 công nhân xây dựng bình thản ngồi ăn trưa, đọc báo, hút thuốc và tán gẫu với nhau trên một thanh xà trên công trường ở độ cao hơn 250m tại Manhattan, Mỹ. Bức ảnh này được chụp trên tầng 69 của tòa nhà RCA đi tiên phong trong các tòa nhà chọc trời ở Mỹ, cũng là bức ảnh quảng cáo cho các dự án xây dựng tổ hợp nhà cao tầng thời bấy giờ.

“Cặp đôi mặc áo khoác lông” là một trong số những bức ảnh về đề tài người da màu ở Mỹ do nhiếp ảnh gia James VanDerZee chụp năm 1932. Vào thời điểm đó, người da màu ở Mỹ thường bị những người da trắng bản địa coi thường và lãng quên. Tuy nhiên, James đã dùng chính ống kính của mình để chống lại điều này, thách thức quan niệm của xã hội đương thời về cái gọi là phân biệt chủng tộc hay phân tầng xã hội. Bức ảnh chụp một cặp đôi nam nữ, gồm một người da trắng và một người da màu, trong bộ trang phục sành điệu ngồi cạnh xe Cadillac chính là thông điệp mà nhiếp ảnh gia muốn chuyển tải tới người xem.  
Bức ảnh “Quái vật hồ Loch Ness” được cho là do bác sĩ người Anh Robert Wilson chụp lại trong lúc đi nghỉ mát tại hồ Loch Ness vào năm 1934. Bức ảnh này sau đó đã trở thành một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất về một loài sinh vật chưa thể xác định được tại hồ Loch Ness, Scotland. Tuy nhiên, tính xác thực của bức ảnh đến nay vẫn chưa được công nhận và sự tồn tại của quái vật ở hồ Loch Ness cũng vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
Bức ảnh gây chấn động làng nhiếp ảnh thế giới có tên gọi “Người lính tử trận” do Robert Capa chụp vào năm 1936. Nhiếp ảnh gia đã chụp lại khoảnh khắc một binh sĩ ngã xuống sau khi trúng đạn trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha.
Bức ảnh “Thảm họa Hindenburg” do Sam Shere chụp năm 1937, ghi lại khoảnh khắc khinh khí cầu nổi tiếng LZ 129 Hindenburg bỗng nhiên phát nổ và lao xuống đất tại bang New Jersey, Mỹ trong chuyến bay khởi hành từ Frankfurt, Đức. Vụ tai nạn khiến 36 người thiệt mạng và khiến công chúng mất niềm tin vào loại hình hàng không khí cầu.
Năm 1945, nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal đã chụp bức ảnh có tên “Cắm cờ ở Iwo Jima”. Bức ảnh này chụp lính thủy quân lục chiến Mỹ cắm cờ chiến thắng ở Iwo Jima, Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tác giả của bức ảnh đã được trao giải Pulitzer danh giá cho tác phẩm mang tính biểu tượng và đi vào lịch sử này.

“Đám mây hình nấm trên bầu trời Nagasaki” là bức ảnh do Charles Levy chụp năm 1945, chụp lại khoảnh khắc máy bay Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Bức ảnh đã gây sốc trên toàn thế giới về mức độ tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử.

Bức ảnh “Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại” của nhiếp ảnh gia tạp chí LIFE Alfred Eisenstaedt đã trở thành biểu tượng bất hủ về khoảnh khắc sum họp sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tác giả đã chụp bức ảnh này vào ngày 14/8/1945 sau khi Phát xít Nhật đầu hàng và Thế chiến 2 chấm dứt.
“Gandhi và bánh xe xe chỉ” là bức ảnh của tác giả Margaret Bourke-White và được chụp vào năm 1946. Đây là bức ảnh chân dung chụpMohandas Gandhi, nhà lãnh đạo tinh thần trong cuộc chiến chống thực dân Anh giành độc lập cho Ấn Độ, đang đọc báo bên bánh xe dùng để xe chỉ. Gandhi đã khuyến khích các môn đệ của mình từ xe chỉ để làm vải may quần áo thay vì mua quần áo do các nhà máy của thực dân Anh sản xuất, đồng thời cũng là để tẩy chay các máy dệt tự động đã cướp đi việc làm của công nhân Ấn Độ. Để chụp được bức ảnh trên, nhiếp ảnh gia Margaret Bourke-White đã bị yêu cầu phải học cách sử dụng bánh xe xe chỉ để có cơ hội tiếp cận nhà lãnh tụ tinh thần Gandhi và chụp ảnh.
Bức ảnh “Dovima bên voi” do Richard Avedon chụp năm 1955 được xem là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất trong lĩnh vực ảnh thời trang. Bức ảnh đen trắng này nổi tiếng vì đã phá bỏ những quy tắc mang tính rào cản trước đó trong thời trang khi tạo nên sự tương phản giữa những con voi xù xì, thô ráp và người mẫu sạch sẽ, thanh lịch với bộ trang phục mềm mại.

Bức ảnh chân dung chụp Che Guevara - một huyền thoại và biểu tượng anh hùng cách mạng người Cuba trong thế kỷ 20 đã được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Alberto Korda vào năm 1960. Đây là bức chân dung bất hủ của Che Guevara và được phổ biến trên toàn cầu.

Bức ảnh “Nhà sư tự thiêu” do phóng viên Malcolm Browne của hãng thông tấn AP chụp vào năm 1963 đã trở thành biểu tượng cho phong trào đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà sư trong bức ảnh là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để bảo vệ Phật giáo và phản đối sự đàn áp của chính quyền ở miền nam Việt Nam lúc bấy giờ. Bức ảnh gây chấn động toàn cầu này đã được trao giải thưởng Pulitzer vào năm 1964.
Bức ảnh do Abraham Zapruder chụp lại khoảnh khắc cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963 trong lúc chờ đoàn xe của tổng thống đi ngang qua Dealey Plaza. Đây là bức ảnh được chụp hoàn toàn bất ngờ dựa trên một máy ảnh được cài sẵn.
Bức ảnh có tên gọi “Bào thai 18 tuần” do Lennart Nilsson chụp vào năm 1965 là một trong một loạt bức ảnh chụp bào thai được tạp chí LIFE đăng tải. Tác phẩm của Nilsson trở nên nổi tiếng vào thời điểm đó vì đây là lần đầu tiên có một nhiếp ảnh gia ghi lại quá trình phát triển của một bào thai từ nhỏ đến lớn. Theo giải thích của LIFE, Nilsson chụp các bào thai này khi chúng đã được đưa ra ngoài cơ thể người mẹ vì nhiều lý do khác nhau. Sau đó, nhiếp ảnh gia đã sử dụng ánh sáng và một số kỹ thuật đặc biệt để làm cho bào thai giống như vẫn đang tồn tại.
Bức ảnh chụp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông bơi qua sông Dương Tử vào năm 1966 hiện vẫn chưa rõ danh tính người chụp. Nhà lãnh đạo Trung Quốc rất thích bơi lội và việc ông bơi qua sông Dương Tử cũng là cách để thúc đẩy phong trào thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo TIME

(Còn nữa)

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây