Tòa trả hồ sơ, hoa hậu Phương Nga được tại ngoại
Tháng 6.2017, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, hoa hậu người Việt tại Nga) và người bạn Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1988) với cáo buộc lừa đảo số tiền 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ (SN 1977, ngụ quận 3).
Những câu nói “gây bão” của bị cáo Trương Hồ Phương Nga tại tòa.
Tại tòa, bị cáo Nga và Dung khai rằng số tiền 16,5 tỷ đồng do quan hệ tình cảm mà ông Mỹ chuyển cho Nga. Còn ông Mỹ khai rằng đây là số tiền nhờ mua nhà.
Cũng tại phiên tòa này, có thời điểm Phương Nga sử dụng quyền im lặng. Khi đại diện VKSND đặt câu hỏi: “Bị cáo im lặng là đồng ý với lời khai của bà Nga và ông Yên hay không?” Phương Nga đáp lại: “Bị cáo im lặng không có nghĩa là đồng ý, im lặng chỉ là sự im lặng mà thôi”.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND TP.HCM đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Phương Nga từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
14 cựu cán bộ lĩnh án vì sai phạm đất đai ở Đồng Tâm
Tháng 8.2017, TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức). Trong 14 bị cáo bị đưa ra xét xử, có 10 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và 4 bị cáo nguyên là cán bộ Phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức.
14 cựu cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức lĩnh án vì sai phạm đất đai ở xã Đồng Tâm. Ảnh: Công an nhân dân
Vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi xảy ra vụ việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm).
Nêu ý kiến tại tòa, đại diện VKS cho rằng, vi phạm đất đai tại Đồng Tâm là vụ việc nóng, gây mất ổn định trật tự xã hội. Việc làm của các bị cáo gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, làm người dân mất niềm tin.
HĐXX TAND huyện Mỹ Đức kết luận, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), các bị can nguyên là cán bộ chủ chốt của xã vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.
Trong khi các cán bộ văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện được xác định là không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX cho rằng Nguyễn Xuân Trường (cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm) giữ vai trò chủ mưu, đối tượng chính nên tuyên phạt mức án cao nhất là 6 năm 6 tháng tù, các bị cáo còn lại nhận án từ 18 tháng tù treo tới 42 tháng tù.
Cựu Chủ tịch VN Pharma khóc nấc nói lời sau cùng
Tháng 8.2017, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharma); Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã thực hiện một loạt hành vi sai phạm, chỉ đạo nhân viên thuê người viết hồ sơ thuốc, sử dụng con dấu, chữ ký của hai công ty nước ngoài không còn phép hoạt động tại Việt Nam, nâng khống giá thuốc, sử dụng các giấy tờ giả của công ty ở Canada do Cường cung cấp… để làm hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn.
Thẩm phán Phạm Công Mười nói với bị cáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên Chủ tịch Công ty dược VN Pharma.
Tới tháng 10.2017, TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án. Phiên tòa cũng diễn ra khá căng thẳng khi luật sư, các bị cáo, viện kiểm sát tranh luận gay gắt.
Phiên tòa thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận và được nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, đưa tin trực tiếp.
Chiều 23.10, bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị bắt tạm giam ngay tại phiên tòa.
Khi được nói lời sau cùng, Nguyễn Minh Hùng vừa khóc, vừa xin pháp luật khoan hồng, cho mình được tại ngoại để chăm sóc người thân.
Bị cáo bị Hùng khóc nấc tại tòa
Nghe Hùng nói, Chủ toạ phiên tòa đề nghị bị cáo Hùng bình tĩnh và nhắn nhủ: Trước khi đứng trước tòa hôm nay, bị cáo đã làm giả hồ sơ nhập thuốc không đạt chất lượng, còn nâng khống giá thuốc. Bị cáo đẩy những bệnh nhân ung thư vào con đường cùng của đau khổ, khánh kiệt. Ngoài bản án sau này tòa áp dụng, các bị cáo còn đối diện với bản án lương tri của mình suốt cuộc đời.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Xử đại án OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn nhận án tử
Tháng 8. 2017, 51 bị cáo trong đại án gây thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đã được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, vi phạm trong cho vay.
Nguyễn Xuân Sơn- nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank khai trước tòa về khoản chi cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn dầu khí vì đã giúp đỡ OceanBank.
Phiên tòa kéo dài 1 tháng nhận được sự quan tâm từ dư luận và cơ quan truyền thông.
Tại phiên tòa, Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank khai trong thời gian bị cáo làm Tổng Giám đốc Oceanbank, thông qua Ninh Văn Quỳnh (Kế toán trưởng của Tập đoàn dầu khí giai đoạn 2008-2014), Oceanbank đã gửi tiền cảm ơn lãnh đạo tập đoàn dầu khí khoảng 30-40 tỷ vì đã giúp đỡ Oceanbank.
Sau khi đánh giá toàn bộ nội dung vụ án, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án bị cáo Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank mức án tù chung thân. Còn bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình.
Sau hơn 1 tháng xét xử, sáng nay 29-9, TAND Hà Nội đã tuyên án với 51 bị cáo trong vụ "đại án" xảy ra tại Ngân hàng...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn