Nghi vấn về sai sót tình báo khiến Mỹ dội bom giết 60 lính Syria

Thứ tư - 30/11/2016 12:33

Nghi vấn về sai sót tình báo khiến Mỹ dội bom giết 60 lính Syria

Lý giải về sơ suất trong thu thập thông tin tình báo khiến Mỹ không kích nhầm vào quân đội Syria chưa thuyết phục được nhiều chuyên gia quân sự.

Cường kích A-10 Mỹ tham gia một vụ không kích. Ảnh: USAF

Lầu Năm Góc ngày 29/11 công bố kết quả điều tra cho thấy vụ máy bay liên quân Mỹ, Đan Mạch, Anh và Australia không kích nhầm vào vị trí của quân đội chính phủ Syria hồi tháng 9 khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng là hậu quả của sai sót con người trong khâu thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích quân sự cho rằng cách giải thích này của Bộ Quốc phòng Mỹ chưa thỏa đáng.

Vụ không kích xảy ra vào ngày 17/9, khi những chiếc tiêm kích F-16, F-18, cường kích A-10 và máy bay không người lái ném 34 quả bom dẫn đường chính xác và bắn 380 viên đạn pháo 30 mm trong suốt một giờ đồng hồ vào một vị trí đóng quân của quân đội chính phủ Syria ở Jabal Turdah, tỉnh Deir al-Zour, miền đông nước này, theo BreakingEnergy.

Đây là một dãy đồi có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ sân bay ở cách đó 4 km cũng như khu vực do quân đội Syria kiểm soát ở thành phố Deir al-Zour. Khu vực này hoàn toàn là hoang mạc, không hề có nhà cửa dân cư xung quanh. Đơn vị quân đội Syria đóng tại đây hoàn toàn bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bao vây từ giữa năm 2015, phương tiện tiếp tế duy nhất của họ là máy bay.

Trước khi trận không kích nhầm diễn ra, một trận chiến dữ dội đã nổ ra giữa quân chính phủ Syria với lực lượng IS tìm cách đánh chiếm Jabal Turdah từ phía nam. Ngay sau đó, bom đạn ầm ầm trút xuống vị trí của quân chính phủ, khiến họ bị thương vong nặng nề và buộc phải rút lui. IS chiếm được điểm cao, nhưng phải tháo chạy vào ngày hôm sau khi không quân Nga tăng cường không kích, tạo điều kiện cho quân chính phủ Syria chiếm lại chốt.

Tướng không quân Mỹ Richard "Tex" Coe, sĩ quan phụ trách cuộc điều tra, nói với các phóng viên rằng trước khi trận không kích xảy ra, phương tiện trinh sát của Mỹ đã phát hiện một chiếc xe được xác định là của phiến quân IS đang di chuyển ở Deir al-Zour. Họ theo dõi chiếc xe này và phát hiện nó chạy đến một vị trí nơi có hàng chục tay súng tụ tập cùng lều bạt, chiến hào và ít nhất một chiếc xe tăng, theo Washington Post.

Tướng Coe nói rằng việc các tay súng này không mặc quân phục hoặc có các dấu hiệu đặc trưng của quân đội Syria khiến các sĩ quan xác định mục tiêu phụ trách khu vực tin chắc rằng họ đã phát hiện được một khu trại của IS. Tuy nhiên, ông này không nói rõ tình báo Mỹ đã theo dõi khu trại đó trong bao lâu trước khi yêu cầu không kích.

Viên tướng này thừa nhận có ít nhất một chuyên gia phân tích tại sở chỉ huy Mỹ cho rằng mục tiêu đó "không thể là IS", nhưng đánh giá của chuyên gia này không được các chỉ huy xem xét đến khi ra quyết định không kích. Tuy nhiên, ông Coe tuyên bố rằng phi công và nhân viên tình báo Mỹ chịu trách nhiệm thực hiện cuộc không kích không hề làm sai quy trình, đây chỉ đơn giản là "sai sót" mà họ không thường xuyên mắc phải.

Thiếu thuyết phục

Phần lớn tỉnh Deir al-Zour bị phiến quân IS kiểm soát trong thời gian dài. Đồ họa: Landsat

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nói rằng chiến trường quanh Deir al-Zour không có nhiều biến động trong suốt hai năm qua, đồng thời bác bỏ tuyên bố của phía Mỹ cho rằng máy bay trinh sát Mỹ đã do thám khu vực trong hai ngày trước cuộc không kích. "Quân đội chính phủ Syria bị IS bao vây, đó là điều quan trọng", ông nói. "Nếu đây là một sai lầm sau suốt hai ngày trinh sát và xác định mục tiêu, chúng tôi cần một cuộc điều tra, xin nói thẳng như vậy".

Fabrice Balanche, giám đốc trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Lyon 2, chuyên gia tại Viện Washington, cho rằng kết luận điều tra của Mỹ quy sai sót cho hoạt động tình báo khi xác định mục tiêu tại Jabal Turdah là thiếu thuyết phục.

Chuyên gia này chỉ ra rằng Jabal Turdah là vị trí đóng quân cố định và liên tục của quân đội chính phủ Syria trong thời gian dài, chỉ trừ một khoảng thời gian ngắn (tháng 1-3/2015) bị IS đánh chiếm. Bởi vậy, việc tình báo Mỹ với các phương tiện trinh sát, theo dõi hiện đại nhầm lẫn vị trí này với doanh trại của IS là điều rất đáng ngạc nhiên.

Tuyên bố của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đưa ra sau cuộc không kích nói rằng liên quân đã ném bom vị trí trên nhiều lần trước đây, nhưng không đưa ra các chứng cứ cụ thể để chứng minh. Trên thực tế, trong những tuần trước đó, CENTCOM nhiều lần thông báo đã không kích "gần Deir al-Zour" nhưng không nêu vị trí chi tiết. Điều đáng chú ý nữa là liên quân do Mỹ dẫn đầu chưa bao giờ can thiệp vào các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và IS tại Deir al-Zour, Balanche nói.

Một điểm đáng chú ý nữa là tướng Coe khẳng định Mỹ đã báo trước với Nga về địa điểm không kích. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sĩ quan Mỹ phụ trách việc thông báo vị trí không kích với Nga lại vô tình cung cấp thông tin không chính xác về tọa độ, khiến phía Nga ban đầu không hề có phản ứng nào.

Cuộc không kích kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, và chỉ chấm dứt sau khi phía Nga liên hệ được với sĩ quan liên lạc của Mỹ để thông báo rằng máy bay liên quân đang ném bom nhầm.

Theo ông Coe, ngay sau khi cuộc không kích bắt đầu diễn ra, phía Nga đã gọi điện đến bộ chỉ huy Mỹ và đòi gặp sĩ quan liên lạc. Một đại tá Mỹ cầm máy, vì sĩ quan liên lạc này đang ra ngoài, nhưng phía Nga từ chối truyền đạt thông điệp cho đại tá đó, chờ đợi suốt 27 phút để nói chuyện trực tiếp với sĩ quan liên lạc. Trong 27 phút đó, 15 trên tổng số 34 đợt ném bom đã diễn ra. Phía Mỹ cho rằng có 15 lính Syria thiệt mạng, nhưng các hãng tin của Nga và Syria khẳng định con số thương vong lên tới hơn 60 người.

Balanche cho biết đây không phải là lần đầu tiên tình báo Mỹ phạm sai lầm để xảy ra những vụ không kích nhầm đáng tiếc. Họ đã từng xác định mục tiêu sai dẫn đến cuộc bắn phá vào một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ Không biên giới ở Kunduz, Afghanistan hồi tháng 10/2015 khiến hàng chục người thiệt mạng.

Những vụ việc như vậy thể hiện thách thức trong việc xác định mục tiêu trên những chiến trường mà Mỹ không có sự hiện diện của lực lượng bộ binh, buộc họ phải dựa hoàn toàn vào thông tin do các máy bay do thám không người lái cung cấp cùng đội ngũ chuyên gia phân tích, giám sát.

Trong vụ không kích nhầm ở Deir al-Zour, tướng Coe cho rằng các sĩ quan giám sát khu vực của Mỹ có "kiến thức hạn chế về địa hình", coi đây là một phần lý do dẫn đến thảm kịch. Dựa vào các hình ảnh trinh sát được, họ không thể xác định được nhóm người bên dưới là ai, nhưng cho rằng đó nhiều khả năng không phải là quân đội chính phủ Syria.

Quân đội chính phủ Syria tham chiến ở Deir al-Zour. Ảnh: SouthFront

"Trong trường hợp này, chúng tôi đã không áp dụng tiêu chuẩn cao mà chúng tôi đề ra, và chúng tôi phải làm tốt hơn như vậy trong những lần sau", trung tướng Jeff Harrigian, chỉ huy trưởng lực lượng không quân Mỹ phụ trách khu vực, nói.

Sau vụ việc này, tướng Harrigian đã ra lệnh cho lực lượng Mỹ tại đây tăng cường quy trình xác định mục tiêu, trong đó có sự chia sẻ thông tin tốt hơn giữa các chuyên gia phân tích tại Trung tâm Tác chiến Không quân Hỗn hợp, đồng thời khuyến nghị Mỹ tận dụng tốt hơn đường dây nóng với phía Nga.

Xem thêm:  Mỹ nhận không kích nhầm quân đội Syria do tin tình báo sai

Trí Dũng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây