Ngày 29/10, theo các nguồn tin ngoại giao, Nga đã khẳng định với Nhật Bản rằng họ tôn trọng Tuyên bố chung Nhật Bản-Liên Xô năm 1956, trong đó nêu rõ Moskva sẽ trao trả đảo nhỏ Shikotan và đảo Habomai sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Tokyo.
Tuy nhiên, Nga cũng bày tỏ quan ngại rằng quân đội Mỹ có thể đóng trên những đảo này sau khi được trao trả, căn cứ theo Điều 5 hiệp ước an ninh Nhật Bản-Mỹ.
Điều khoản trên cho phép binh sỹ Mỹ đồn trú ở những vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý.
Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ được kí kết tại Washington vào ngày 19/1/1960, và có hiệu lực vào ngày 23/6/1960 sau khi hiệp ước được quốc hội Nhật Bản phê chuẩn.
Theo hiệp ước, khoảng 47.000 binh lính Mỹ hiện đồn trú tại Nhật Bản, trong đó hơn một nửa số binh lính có mặt tại miền Nam đảo Okinawa, nơi đặt căn cứ quân sự Futenma.
Hiện Tokyo đang đánh giá những tác động của việc không áp dụng Điều 5 đối với hai hòn đảo Shikotan và đảo Habomai, hoặc có thể là với cả 4 đảo tranh chấp.
Hòn đảo Kunashiri, một trong 4 hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật Bản.
Nhật Bản tin rằng một lời đảm bảo như trên với Nga sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán về tranh chấp giữa hai nước liên quan đến 4 hòn đảo gồm Shikotan, Habomai, Etorofu và Kunashiri mà Moskva hiện đang kiểm soát với tên gọi quần đảo Nam Kuril song Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Trước đó, Nhật báo tài chính Nikkei trích dẫn nguồn tin giấu tên của chính phủ Nhật cho biết Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng có thể đàm phán để lấy lại đảo Habomai và đảo Shikotan, đề xuất cùng kiểm soát chung đảo Kunashiri và Etorofu với Nga.
Về phần mình, cá nhân Thủ tướng Abe dường như đã công nhận việc không thể giành lại toàn bộ 4 hòn đảo do đó Tokyo sẽ thỏa hiệp với Moscow.
Song điều đó không có nghĩa là ông Abe sẽ từ bỏ tuyên bố chủ quyền lâu đời của Nhật Bản tại những khu vực này.
Ông James D.J. Brown, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple, Nhật Bản nhận định có thể Thủ tướng Abe sẽ đưa ra đề xuất ký kết một hiệp ước hòa bình đề nghị Nga trả lại hai hòn đảo nhỏ là Shikotan và Habomai. Hai hòn đảo này chỉ chiếm 7% diện tích vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản.
Nhưng nếu như Tokyo lấy lại được Shikotan và Habomai thì vấn đề chủ quyền của hai hòn đảo có diện tích lớn hơn là Etorofu và Kunashiri mà Nga gọi là Iturup và Kunashir sẽ bị bỏ ngỏ. Do đó, Nhật Bản có thể đề xuất xác định chủ quyền của hai hòn đảo Etorofu và Kunashiri với Nga trong một cuộc họp trong tương lai.
Nhưng ngay cả khi các cuộc thảo luận này được tổ chức, hai nước vẫn không thể phân định chủ quyền đối với Etorofu và Kunashiri bởi Thủ tướng Abe vẫn kiên quyết không từ bỏ chủ quyền với hai hòn đảo này.
Quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, trong khi Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Cũng theo ông Brown, một phương án khả thi giúp Nhật Bản duy trì tuyên bố chủ quyền trên cả 4 hòn đảo là đồng thuận cùng Nga quản lý vùng lãnh thổ này.
Ngày 17/10, tờ Nikkei đưa tin chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc phương án trên. Dù mập mờ phủ nhận nhưng câu chuyện này được xem là chiến thuật của chính quyền Thủ tướng Abe nhằm đánh giá phản ứng của dư luận trước phương án thỏa hiệp với Nga.
Tuy nhiên, dù gạt bỏ yếu tố phản đối từ người dân Nhật Bản, phương án thỏa hiệp của Thủ tướng Abe dường như chưa đủ sức thuyết phục để Tổng thống Putin tiến tới ký kết thỏa thuận.
Cụ thể, tại Nga, người dân nước này phản đối mạnh mẽ việc trao trả lại Vùng lãnh thổ phương Bắc/quần đảo Kuril khi cho rằng khu vực này thuộc chủ quyền của Nga kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Mặc dù Tổng thống Putin nhận được tới hơn 80% sự ủng hộ của dư luận và mong muốn chấm dứt tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản song chắc chắn ông Putin sẽ không làm trái ý người dân Nga trong vấn đề mang tính lịch sử nhạy cảm này.
Do đó, vào tháng 12 tới, khả năng Nga sẽ đưa ra bản thỏa thuận có phần không như mong đợi của Nhật Bản.
Lâu nay, Tổng thống Putin thường nhấn mạnh tới hiệp ước năm 1956 giữa Nga và Nhật, ám chỉ khả năng nhà lãnh đạo Moscow sẵn sàng đồng thuận chuyển giao hai hòn đảo Shikotan và Habomai.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa bao giờ công khai ý định thỏa hiệp với Tokyo ở hai hòn đảo lớn hơn là Etorofu và Kunashiri.
Thậm chí, ngay cả việc Nga trao trả lại hai hòn đảo nhỏ Shikotan và Habomai cho Nhật Bản cũng sẽ đi kèm một số điều kiện.
Điều này được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng 9, phát biểu trước giới phóng viên, Tổng thống Putin nhấn mạnh hiệp ước năm 1956 "không nhắc tới những điều kiện đi kèm khi chuyển giao các hòn đảo và ai sẽ nắm chủ quyền tại khu vực này".
Điều đó cho thấy khả năng hai hòn đảo Shikotan và Habomai chỉ được trao trả cho Nhật với điều kiện Nga giữ lại được chính quyền của họ ở đây. Khi Moscow khẳng định đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của gần 3.000 người Nga trên đảo Shikotan.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là cuộc họp thượng đỉnh Yamaguchi tháng 12 tới sẽ không gặp thất bại. Bởi Nga đang mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác kinh tế với Nhật Bản cũng như có cơ hội góp mặt trong nhóm G7, tổ chức đang bị Mỹ gây sức ép nhằm cô lập Moscow.
Theo Thảo My
Báo Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn