Triều Tiên khoe tên lửa phóng từ tàu ngầm trong lễ duyệt binh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters |
Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi lời chúc mừng năm mới âm lịch, tấm thiệp đầu tiên được gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin chứ không phải lãnh đạo Trung Quốc, theo hãng tin nhà nước của Triều Tiên.
Một số học giả nghiên cứu Triều Tiên cho rằng ông Kim có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga nếu Trung Quốc, nước chiếm khoảng 90% thương mại của Triều Tiên, tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nước này trong nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc cố gắng kiềm chế Bình Nhưỡng. Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng các lệnh trừng phạt để cô lập Bình Nhưỡng.
Mỹ đang kêu gọi cấm vận bán dầu cho Triều Tiên, nước nhập khẩu hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu. Trung Quốc, nhà cung cấp dầu cho Triều Tiên, ít khả năng đồng ý vì điều đó có thể gây bất ổn cho chính quyền Bình Nhưỡng, nhưng giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh có thể áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại. Nga cũng là nhà cung cấp dầu lớn cho Triều Tiên. Năm 2015, nước này xuất khẩu 36.000 tấn sản phẩm dầu.
Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự gia tăng bền vững thương mại giữa Nga và Triều Tiên, nhưng mối quan hệ kinh doanh và vận tải giữa hai nước ngày càng nhộn nhịp.
Một dịch vụ phà mới bắt đầu vào tuần tới sẽ chuyển lên đến 200 hành khách và 1.000 tấn hàng hoá 6 lần một tháng giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga.
Dữ liệu vận chuyển của Reuters cho thấy gần đây có một luồng lưu thông dầu mỏ ổn định từ Vladivostok vào các cảng biển phía đông Triều Tiên.
Đầu năm nay, các quan chức chính phủ Nga đã thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về hợp tác trong vận tải đường sắt. Một tuyến đường sắt do Nga xây dựng kết nối thị trấn biên giới phía đông Nga là Khasan và cảng Rajin của Triều Tiên đã được sử dụng để chở than đá, kim loại và các sản phẩm dầu khác nhau.
Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng: "Triều Tiên không quan tâm đến áp lực hoặc trừng phạt của Trung Quốc vì có người hàng xóm Nga ngay bên cạnh".
"Bình Nhưỡng đã để Bắc Kinh và Moscow đấu nhau trong nửa thế kỷ, để họ tranh giành quyền được viện trợ và gây ảnh hưởng tới Triều Tiên", ông nhận xét.
Nga, đặc biệt là Vladivostok, là nơi có một trong những cộng đồng hải ngoại Triều Tiên lớn nhất trên thế giới, những người này gửi về nước số ngoại tệ mạnh tương đương hàng chục nghìn USD mỗi tháng.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước, ông Tillerson đã kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao, tài chính với Bình Nhưỡng và đình chỉ nhận lao động Triều Tiên. Hội đồng Bảo an vẫn chưa đồng ý về bất kỳ hoạt động nào.
Trong khi Nga không cho biết liệu họ có phản đối các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hoặc tìm cách nới lỏng chúng, mối quan hệ lạnh nhạt của họ với Mỹ có thể làm phức tạp thêm việc tham gia bất kỳ sáng kiến nào của Mỹ về Triều Tiên. Ông Trump và ông Putin ngày 2/5 đã điện đàm về vấn đề Triều Tiên. Không có thông báo về bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt với Mỹ và mối liên hệ hiện tại với Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng Nga ít có khả năng tăng mạnh thương mại với Bình Nhưỡng vì dự trữ ngoại hối thấp và sự khó lường của quốc gia này.
Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford, cho rằng việc hỗ trợ cho Bình Nhưỡng có thể mang lại lợi ích cho Moscow. Việc đó cho thấy Nga là "đối tác trung thành với các chính quyền chống phương Tây phải đối mặt với sự cô lập và lệnh trừng phạt quốc tế", ông nói.
"Nga có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với các nước khác có mâu thuẫn với phương Tây, như Iran, Venezuela và Syria, khía cạnh biểu tượng này của mối quan hệ Nga - Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược", ông đánh giá.
Người Triều Tiên nghĩ gì về vũ khí hạt nhânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn