Các ứng cử viên tham gia cuộc đua vào vị trí Tổng thư ký LHQ tham gia tranh luận. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc bỏ phiếu thứ 2 hồi đầu tháng này, ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và là người từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực về người nhập cư, đã nới rộng khoảng cách khi nhận được 11 phiếu ủng hộ. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic gây bất ngờ khi đứng thứ hai, còn Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra đứng thứ 3.
Sau khi Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic rút lui, cuộc chạy đua giành chức Tổng thư ký LHQ chỉ còn 10 ứng cử viên. Trong vòng bỏ phiếu thứ 2 vừa qua, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Helen Clark bất ngờ đứng ở vị trí thứ 7. Đây được coi là kết quả thất vọng với một trong những ứng cử viên được đánh giá cao như bà Clark song hiện cả Thủ tướng New Zealand John Key và Ngoại trưởng Murray McCully đều nỗ lực vận động kêu gọi sự ủng hộ cho bà.
Trong số những ứng viên hiện nay, cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk được đánh giá có khả năng gây bất ngờ. Ông Turk, người về thứ 2 trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hồi tháng 7, đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ thứ hai hồi đầu tháng.
Theo quy định, 15 quốc gia thành viên HĐBA LHQ có thể chọn 1 trong 3 cách bỏ phiếu với nội dung là "khuyến khích", "không khuyến khích" và "không có ý kiến". Ngoài ra, 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng có quyền phủ quyết đối với bất cứ ứng cử viên nào.
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký sẽ do HĐBA chỉ định và trình lên Đại hội đồng gồm tất cả các nước thành viên trước khi được thông qua. HĐBA sẽ chọn ra Tổng thư ký tiếp theo vào tháng 9 và sẽ xướng tên của người này vào tháng 10 tới. Nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) mới sẽ bắt đầu vào ngày 1/1/2017.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn