Theo nguồn tin này, đạn tên lửa TACMS là biến thể nâng cấp của dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS được nâng cấp hệ thống dẫn đường và phần mềm điều khiển giúp tăng cơ hội đánh trúng mục tiêu. Tên lửa TACMS mới không có phiên bản đầu đạn chùm giống như phiên bản “tiền nhiệm” ATACMS.
Đại diện Lockheed Martin giải thích việc loại bỏ đầu đạn chùm trên TACMS là tuân thủ theo các quy định quốc tế cấm sử dụng các dòng vũ khí có tính hủy diệt và sát thương cao. Cùng với đó, Lockheed Martin cho biết sẽ triển khai gói nâng cấp các đạn tên lửa ATACMS hiện có của Quân đội Mỹ lên chuẩn TACMS với vòng đời phục vụ đạt 20 năm, gần tương đương đạn tên lửa được sản xuất mới.
TACMS hiện được coi là dòng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật duy nhất đang nằm trong biên chế Quân đội Mỹ. Ngoài khả năng mang đầu đạn thông thường, khi cần, TACMS cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân giúp tăng khả năng tác chiến.
Hiện thông tin cụ thể về khả năng chiến đấu của TACMS chưa được công khai. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật này chỉ là một phiên bản nâng cấp sâu của ATACMS được đổi tên. Nhiều khả năng TACMS chỉ là bước đệm trong thời gian Mỹ phát triển dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới nhỏ gọn, có tầm bắn tới 500km và có thể đối trọng với tổ hợp tên lửa Iskander-M của Nga.
MGM-140 ATACMS là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn từ 128km tới 300km và mang theo đầu đạn nặng 260kg. Lockheed Martin lần đầu tiên giới thiệu ATACMS vào năm 1987 và từ đó tới nay đã nhiều biến thể của dòng tên lửa đạn đạo này được giới thiệu như: MGM-140B - Block IA, MGM-164 ATACMS - Block II và MGM-168 ATACMS - Block IVA, để phục vụ các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.
Xét về đặc điểm kỹ-chiến thuật, ATACMS là đối trọng nằm ở khoảng giữa hai dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U và Iskander của Liên Xô và Nga. ATACMS có thiết kế khá cồng kềnh, nhưng phù hợp để trang bị trên dòng pháo phản lực bắn loạt MLRS (2 đạn) hoặc HIMARS (1 đạn). ATACMS có khả năng tiêu diệt các mục tiêu kiên cố hoặc nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
MGM-140 đã từng được “thử lửa” trong các chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh tại Iraq năm 1991 và 2003.
Hiện tại trên thế giới chỉ có 7 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu các tên lửa MGM-140 là Bahrain, Hy Lạp, Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Mỹ.
Theo Tuấn Sơn / Defense News
Quân đội nhân dân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn