Cử tri Pháp phát biểu cảm nghĩ về ứng viên Marine Le Pen
Sau cơn địa chấn phát ra từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh và bầu cử tổng thống ở Mỹ, nhiều người cho rằng Pháp sẽ là quốc gia tiếp theo chao đảo bởi phong trào dân túy với sự trỗi dậy của ứng viên cực hữu Marine Le Pen. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7/5, bà Le Pen đã bị ứng viên theo chủ nghĩa tự do Emmanuel Macron đánh bại, thể hiện sự quay lưng của cử tri Pháp với phong trào dân túy, theo Washington Post.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nước Pháp có hai yếu tố đặc trưng rất quan trọng, khiến họ khước từ làn sóng dân túy đang lan rộng: Đó là yếu tố lịch sử lâu dài và mức độ bất bình đẳng thấp hơn so với Anh và Mỹ.
Chiến thắng của ông Macron quả thực đã làm một số chuyên gia và nhà quan sát bối rối. Nước Pháp rõ ràng là mảnh đất rất màu mỡ cho phong trào dân túy trỗi dậy. Quốc gia này có tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số trong nhiều năm qua, đã hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố, phần lớn do các phiến quân Hồi giáo gây ra. Những thảm kịch đẫm máu như thế thường sẽ khiến người dân phản ứng mạnh mẽ với người tị nạn, rất phù hợp với luận điệu của các thủ lĩnh dân túy.
Trong tình cảnh bế tắc về kinh tế và chính trị, người Pháp sẵn sàng lựa chọn một "kẻ ngoại đạo" giống như Donald Trump của nước Mỹ, nhưng không phải đến từ đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen. Họ không xa lạ gì với đường lối cực hữu mà đảng này theo đuổi kể từ khi được thành lập vào năm 1972.
"Việc người dân Pháp chối bỏ Le Pen về cơ bản là sự khước từ đường lối cực hữu và phân biệt chủng tộc, bài Hồi giáo của đảng này", Vivien Schmidt, chuyên gia về chính trị Pháp và châu Âu tại Đại học Boston, nhận định. "Người Pháp đã trải qua thời kỳ chính phủ cực hữu Vichy cầm quyền và họ không muốn điều đó lặp lại với bà Le Pen".
Chính phủ Vichy nắm quyền sau khi phát xít Đức xâm lược Pháp năm 1940. Không chỉ trục xuất hàng chục nghìn người Do Thái tới trại tập trung theo yêu cầu của Đức, chính phủ Vichy còn tự mình ra một loạt điều luật chống Do Thái cho đến khi sụp đổ năm 1944.
Dù bà Le Pen ra sức gột tẩy tiếng xấu bài Do Thái, phân biệt chủng tộc của đảng Mặt trận Quốc gia, nỗ lực của bà trở nên công cốc khi báo chí Pháp tiết lộ nhiều thành viên cấp cao của đảng không chịu thừa nhận tội ác diệt chủng của phát xít Đức. Một cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy 58% cử tri Pháp cho rằng đảng Mặt trận Quốc gia là "mối đe dọa với nền dân chủ".
Nhiều người Pháp cũng đã thể hiện sự nhẹ nhõm khi đảng cực hữu của bà Le Pen không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. "Tôi đã thở phào, thực sự bớt lo đi rất nhiều. Nước Pháp vẫn là nước Pháp. Tôi chắc phải tự sát nếu bà Le Pen là tổng thống", Simon Moos, một học sinh 18 tuổi, cho biết.
Mặt trận kinh tế
Bà Marine Le Pen. Ảnh: AFP |
Các chuyên gia cho rằng trên phương diện kinh tế, những lời kêu gọi của phe dân túy trở nên kém thuyết phục hơn trong một đất nước nơi nhà nước có sự kiểm soát lớn với nền kinh tế và vẫn duy trì nhiều chế độ phúc lợi xã hội.
Theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dù khoảng cách giàu nghèo gần đây đã rộng hơn, tình trạng bất bình đẳng ở Pháp vẫn thấp hơn so với Anh và Mỹ.
Trong thập niên 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, hai nhà lãnh đạo bảo thủ, bắt đầu những cuộc cải cách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, với các biện pháp như tư nhân hóa, thương mại tự do, siết chặt tài khóa và cắt giảm chi tiêu công. Một số biện pháp này được những người kế nhiệm theo đường lối tự do hơn đưa vào trong chương trình hành động của mình.
Nước Pháp khi đó cũng áp dụng một số biện pháp cải cách "tự do mới" kiểu này, nhưng không bao giờ từ bỏ nền kinh tế do nhà nước quản lý, đặc biệt là hệ thống bảo trợ phúc lợi cho người dân, theo Daniel Stedman Jones, nhà sử học chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa tự do mới.
"Chúng ta không ngạc nhiên khi chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy chống lại toàn cầu hóa và tình trạng nhập cư ở Anh, Mỹ, bởi đó là những nước đã thực hiện các chính sách tự do mới quyết liệt nhất", Schmidt nói. "Nước Pháp thực hiện các chính sách này ở một vài cấp độ, nhưng chưa bao giờ đến mức quyết liệt như vậy".
Bởi vậy, Schmidt cho rằng người Pháp có thể có cảm giác bất an và bị bỏ rơi, nhưng tình hình của họ chưa tồi tệ như với người Mỹ hay Anh. Đó là lý do tại sao chỉ 34% cử tri bỏ phiếu cho Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Một chủ đề khác được bà Le Pen và phe dân túy lựa chọn để lôi kéo cử tri là chính sách chống người tị nạn để ngăn ngừa khủng bố. Nước Pháp đã chấn động bởi một loạt vụ tấn công khủng bố trong hai năm qua, trong đó thủ phạm hầu hết là người Hồi giáo nhập cư.
Tuy nhiên, đa số cử tri Pháp dường như đã không đồng tình với lời kêu gọi hạn chế nhập cư của Le Pen, ít nhất là trong thời điểm này. Antoine Leiris, nhà báo Pháp có vợ thiệt mạng trong vụ thảm sát nhà hát Bataclan ở Paris năm 2015 đã nhắn nhủ với những kẻ cực đoan sát hại vợ mình: "Các ngươi sẽ không bị ta căm ghét".
"Bất chấp những vụ tấn công kinh hoàng này, người Pháp vẫn lựa chọn sự khôn ngoan và trí thông minh", Leiris nhận xét về quyết định của đông đảo cử tri Pháp trong cuộc bầu cử.
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn