Giáo sư - Tiến sĩ Jim Butterfield (Ảnh: Mạnh Thắng)
Jim Butterfield, Giáo sư - Tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học Western Michigan (Mỹ) và hiện công tác tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho biết như vậy trong cuộc trò chuyện với các phóng viên tại Hà Nội chiều ngày 27/10 về các diễn biến xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Nước Mỹ đứng trước ngưỡng cửa lịch sử
Ông Butterfield nhận thấy cuộc bầu cử năm nay rất đặc biệt, với 2 ứng viên của hai chính đảng lớn nhất là Hillary Clinton (đảng Dân chủ) và Donald Trump (đảng Cộng hòa) có nhiều khía cạnh rất khác biệt và các quan điểm đối lập.
Theo ông Butterfield, bà Clinton là một chính trị gia được nhiều người biết đến. Bà là phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, làm thượng nghị sĩ 8 năm, giữ cương vị ngoại trưởng Mỹ trong 4 năm. Bà Clinton đã kiên định theo đuổi những điều mà bà ấy ủng hộ trong suốt sự nghiệp chính trị.
“Đối với bản thân tôi, thời niên thiếu, tôi không tưởng tượng được rằng trong cuộc đời mình lại thấy một người Mỹ gốc Phi trở thành tổng thống. Giờ đây, tôi lại chứng kiến một sự thực tế là một phụ nữ nhiều khả năng trở thành tổng thống Mỹ. Tôi cho rằng đó là một sự tiến bộ rất lớn. Nhiều người cũng nghĩ như vậy, dù cũng không phải tất cả”, ông Butterfield nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trump chưa từng là một ứng viên cho một vị trí công nào trước đó. Ông Trump chỉ được biết đến là một tỷ phú bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế. Ông Butterfield nói rằng một trong những chiến lược của Trump nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri là ông tuyên bố nằm ngoài hệ thống chính trị phức tạp tại Washington.
“Bà Clinton là người trong cuộc, ông Trump là người ngoài cuộc. Bà ấy hiểu rõ hệ thống chính trị tại Washington vận hành ra sao. Còn ông Trump lại chỉ trích hệ thống này và muốn thay đổi cách thức làm chính trị tại Washington”, ông Butterfield nói.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu độc lập và học giả Fulbright, Giáo sư Butterfield nói ông giữ quan điểm độc lập đối với hai ứng viên. Nhưng ông dựa trên nhận định cá nhân và thông qua các cuộc thăm dò dư luận, bà Clinton được dự đoán có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hơn ông Trump.
Giáo sư Butterfield nhận định, việc cuộc bầu cử Mỹ năm nay có một ứng viên nữ như bà Clinton là rất quan trọng. Một số người rất hứng thú với điều đó. Những người ủng hộ bà mong chờ nước Mỹ có một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử.
TPP và chiến lược xoay trục sang châu Á
Ông Butterfield dự đoán bà Clinton nhiều khả năng đắc cử tổng thống (Ảnh: Mạnh Thắng)
Bàn về chính sách đối với châu Á của hai ứng viên tổng thống, Giáo sư Butterfield cho hay chính sách xoay trục hay tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương là một phần ý tưởng của bà Clinton thời bà còn làm ngoại trưởng Mỹ. Bà Clinton và Tổng thống Obama đều ủng hộ chính sách này và đây là một chiến lược lớn.
Trong khi đó, ông Trump không nói gì nhiều về châu Á, ngoài Trung Quốc và Triều Tiên. Khi nói tới châu Á, ông Trump thường chỉ nhắc tới thương mại và tiền tệ. “Tôi không biết ông Trump nghĩ gì về phần còn lại của châu Á, vì ông ấy chưa bao giờ nhắc tới. Ông ấy cũng nhắc rất ít tới chính sách ngoại giao”, ông Butterfield.
Bà Clinton cũng chỉ trích Trung Quốc, nhưng bà biết rằng Mỹ và Trung Quốc có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác, dù hai bên có những khác biệt lớn. Hai nền kinh tế Mỹ - Trung phụ thuộc lẫn nhau, vì vậy bà ấy biết rằng việc đối đầu với Trung Quốc không hoàn toàn có lợi.
Ông Butterfield nhận định, nếu đắc cử, một lý do có thể kéo bà Clinton khỏi sự chú ý tới châu Á là Nga. Quan hệ Nga-Mỹ hiện thời rất căng thẳng, và bà Clinton có liên quan tới điều đó. “Bà từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc bầu cử quốc hội tại Nga năm 2011, cho rằng cuộc bầu cử không tự do và công bằng. Tổng thống Putin cũng từng lên tiếng chỉ trích bà Clinton, vì thế hai bên không có mối quan hệ tốt. Hiện có rất nhiều vấn đề tại Trung Đông hay quan hệ căng thẳng Nga - Mỹ. Dù bà Clinton hiểu rất rõ tầm quan trọng của châu Á đối với Mỹ nhưng tôi không rõ là sự quan tâm của bà tới châu Á sẽ ra sao trong tương lai”, ông Butterfield nhận định.
Còn nếu Trump đắc cử và nếu làm đúng như những gì đã tuyên bố thì Trump sẽ đối đầu nhiều hơn với Trung Quốc, giảm sự ủng hộ đối với các liên minh vùng như NATO, hay trong mối quan hệ với Hàn Quốc. “Ông ấy muốn Hàn Quốc chi nhiều hơn cho phòng thủ và muốn các quốc gia NATO đóng góp nhiều hơn thay vì Mỹ phải chịu gánh nặng quốc phòng”, Giáo sư Mỹ nói.
Về Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện thời 2 ứng viên đều phản đối. Ông Trump kiên quyết phản đối ngay từ đầu, trong khi bà Clinton ban đầu ủng hộ rồi sau đó lại nói không. “Tôi cho rằng vì bầu cử mà bà Clinton thay đổi quan điểm. Thẳng thắn mà nói cá nhân tôi không tin rằng bà ấy phản đối TPP. Bà ấy phải phản đối nó chỉ để phục vụ mục đích hiện thời là tranh cử tổng thống”.
Theo ông Butterfield, Michigan, Illinois, Ohio, Wiscousin là các bang công nghiệp, đã mất nhiều việc làm trong 30 hoặc 40 năm qua. Nhiều nhà máy đã đóng cửa và chuyển tới phía nam hoặc phía tây. Ở khu vực này của nước Mỹ, các hiệp định thương mại tự do không được ưa chuộng. Đây cũng là các bang dao động (swing state) trong cuộc bầu cử. Vì vậy, để giành được sự ủng hộ của cử tri, bà Clinton đã tuyên bố phản đối TPP.
“Nếu đắc cử, bà Clinton có thể thay đổi quan điểm. Khoảng 6 tháng hay một năm sau bầu cử, bà có thể ủng hộ TPP. Bà có thể đưa ra các lý do như tạo việc làm, hỗ trợ tầng lớp trung lưu... để chứng minh rằng TPP có lợi cho nước Mỹ. Nhưng việc phê chuẩn các hiệp định thương mại như vậy luôn là một quá trình khó khăn. Nếu bà Clinton đắc cử và ủng hộ TPP sau đó thì hiệp định này vẫn cần phải có sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ. Bà Clinton càng có nhiều sự ủng hộ về TPP thì khả năng Thượng viện thông qua hiệp định càng cao”, ông Butterfield nhận định.
3 lý do khiến cử tri gốc Việt phần lớn ủng hộ Clinton
Biểu đồ do Giáo sư Butterfield cung cấp cho thấy nhiều người gốc Việt ủng hộ bà Clinton (Ảnh: Mạnh Thắng)
Theo ông Butterfield, trước đây người Mỹ gốc Việt thường có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, thế hệ những người Mỹ gốc Việt trẻ có xu hướng độc lập. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần này, cử tri gốc Việt đang có thiên hướng ủng hộ bà Clinton. Theo một cuộc nghiên cứu hồi tháng 9/2016, khoảng 46% người gốc Việt ủng hộ bà Clinton, trong khi 20% ủng hộ ông Trump.
"Nếu ông Trump đắc cử, tôi không biết quan hệ Việt - Mỹ sẽ ra sao. Vấn đề sẽ nằm ở chỗ liệu ông ấy có các cố vấn tốt và có nghe lời khuyên của họ hay không", ông Butterfield nhận định.
Theo ông Butterfield, có nhiều lý do để các cử tri gốc Việt ủng hộ bà Clinton. Thứ nhất, cộng đồng người gốc Việtcó mối liên hệ chặt chẽ với người thân ở Việt Nam và có nhiều thông tin trao đổi qua lại giữa hai nhóm này. Thứ hai, nhiều người kỳ vọng bà Clinton sẽ tiếp tục chính sách thúc đẩy quan hệ với Việt Nam của Tổng thống Obama.
Thứ ba, nhiều người ủng hộ bà Clinton bởi nhìn chung đường lối của ông Trump phản đối người nhập cư. Cho tới nay, các phát biểu của ông Trump chủ yếu nhằm vào cộng đồng gốc Tây Ban Nha và người Hồi giáo mà chưa đề cập tới người Mỹ gốc Á. Tuy nhiên, các phát ngôn của ông Trump tỏ ra rất cứng rắn đối với người nhập cư và vì thế người gốc Việt cũng không ủng hộ chính sách của ông này.
Nếu đắc cử, bà Clinton dự kiến sẽ ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Bà đã vài lần tới thăm Việt Nam và nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm.
Giáo sư Butterfield cũng nhấn mạnh rằng ông Trump chỉ quan tâm tới các nước lớn như Nga, Trung Quốc… và chỉ đề cập tới các nước lớn trong chiến dịch tranh cử, trong khi ông Obama và bà Clinton dành sự quan tâm tới các nước nhỏ và vừa như Việt Nam.
“Với chúng tôi, có một vấn đề là rất khó dự đoán ông Trump sẽ làm gì vì ông ấy không có kinh nghiệm và đôi khi phát ngôn mẫu thuẫn. Một số cử tri Mỹ lo ngại về năng lực của ông Trump và qua quan sát cá nhân tôi cũng nhận thấy thế giới có lo ngại như vậy”, ông Butterfield bày tỏ.
An Bình
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn