Phi công tiêm kích trên tàu sân bay Mỹ diễn tập ngoài khơi Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua liên tiếp có những tuyên bố và hành động cho thấy Mỹ đang thay đổi cách tiếp cận với vấn đề Triều Tiên theo hướng quyết liệt hơn, khiến nhiều chuyên gia phân tích lo ngại Washington sẽ dựa vào một giải pháp "nhuốm mùi thuốc súng" để xử lý mối lo ngại từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Greg Sheridan, bình luận viên chính trị kỳ cựu của The Australian, cho rằng nỗi lo ngại của ông Trump là có thật, bởi Triều Tiên đang sắp chạm tới khả năng đưa đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có thể vươn tới cả lục địa Mỹ. Trump tuyên bố Bình Nhưỡng đang "chuốc lấy rắc rối" và Mỹ sẽ tự mình giải quyết vấn đề Triều Tiên nếu Trung Quốc không tham gia, sau đó ra lệnh cho cụm tàu sân bay chiến đấu Carl Vinson chuyển hướng đến Hàn Quốc.
Theo James S. Robbins, giảng viên Đại học Quốc phòng Mỹ, quan điểm của ông Trump đối với vấn đề Triều Tiên rất khác so với những người tiền nhiệm. Nhiều đời tổng thống Mỹ đã gác vấn đề gai góc này sang một bên, bởi họ nhận ra Mỹ không có một giải pháp nào khác mà không làm bùng phát cuộc chiến tổng lực với Triều Tiên. Điều này được thể hiện trong ý tưởng "kiên nhẫn chiến lược" mà cựu tổng thống Barack Obama từng đề ra.
Tuy nhiên, dưới thời Trump, mọi tính toán đã thay đổi. Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày càng tỏ ra lo ngại rằng nếu họ không có biện pháp quyết liệt, Triều Tiên sẽ sớm sở hữu những vũ khí có thể giết hại hàng triệu người Mỹ chỉ bằng một phát bắn.
Từ nhận thức này, chính quyền Trump được cho là đã vạch ra những phương án khẩn cấp để đối phó với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Với một nội các gồm nhiều tướng lĩnh, có vẻ như Nhà Trắng đang đưa ra những giải pháp thiên về quân sự, khi tướng H.R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia, tuyên bố động thái triển khai lực lượng đến bán đảo Triều Tiên là "khôn ngoan", theo USA Today.
Phương án đánh phủ đầu Triều Tiên đã được một số tổng thống Mỹ tính đến, nhưng đều bị gác lại vì lo ngại nguy cơ hàng triệu binh sĩ Triều Tiên sẽ tràn xuống phía nam, trả đũa đồng minh Hàn Quốc của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Trump dường như đã tìm ra giải pháp để hạn chế nguy cơ này.
Trong các cuộc tập trận chung hồi tháng trước, liên quân Mỹ - Hàn đã thực hiện các tình huống không kích "chặt đầu rắn" giả định nhắm vào giới lãnh đạo Triều Tiên. Đây là phương án được nhiều tướng lĩnh Mỹ coi là khả thi, vì họ tin rằng tất cả quyền lực ở Triều Tiên đều tập trung vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Những người ủng hộ phương án này lập luận rằng nếu ông Kim bị ám sát, hệ thống chỉ huy, kiểm soát của Triều Tiên sẽ bị tê liệt, trong khi các tướng lĩnh Triều Tiên vốn quen với việc phục tùng mệnh lệnh sẽ không tự ý đưa ra hành động. Ngay cả khi ông Kim ủy quyền trước cho viên tướng nào đó phát động tấn công trả đũa trong trường hợp xấu nhất, khả năng người này không chấp hành mệnh lệnh là rất cao.
Các tướng lĩnh khi bàn về biện pháp thiên về quân sự này nhận định việc sử dụng tên lửa hành trình, bom dẫn đường chính xác hoặc lực lượng đặc nhiệm để nhắm vào ông Kim là khả thi, vì nhà lãnh đạo này sẽ phải thường xuyên xuất hiện tại các doanh trại quân đội để úy lạo tinh thần binh sĩ trong trường hợp khủng hoảng nổ ra.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA |
Trong trường hợp ông Kim cố thủ trong các hầm ngầm, việc bị đe dọa bởi các lực lượng ám sát của Mỹ và Hàn Quốc sẽ khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên trở nên căng thẳng, luôn nghi ngờ vào những người xung quanh. Các tướng lĩnh Mỹ tin rằng trong bầu không khí ngờ vực bao trùm như vậy, nếu Mỹ tung thêm các thông tin giả về âm mưu phản loạn, khả năng lãnh đạo của ông Kim sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, có thể dẫn đến sự đổ vỡ từ bên trong.
Nguy cơ hiện hữu
Sheridan cho rằng phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên này phản ánh tư duy của nhiều quan chức Mỹ rằng cuộc khủng hoảng Triều Tiên nếu nổ ra sẽ được giải quyết rất dễ dàng. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng trong trường hợp chính quyền Trump phạm sai lầm trong tính toán chiến lược của mình, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.
Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng tất cả sức mạnh của mình đối với bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ, dù "chỉ là một viên đạn" được bắn về phía họ. Nếu lựa chọn biện pháp quân sự đối với Triều Tiên, Mỹ sẽ phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, đó là một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn có thể hủy diệt cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mỹ có thể lựa chọn biện pháp tấn công trước để xóa sổ các bệ phóng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, nhưng phương án tác chiến này đòi hỏi họ phải huy động một lực lượng khí tài quân sự khổng lồ xung quanh bán đảo với quy mô lớn đến mức gần như không tưởng.
Lính Mỹ huấn luyện quân sự chung với quân đội Hàn Quốc. Ảnh: SOREP |
Ngoài ra, không phải mọi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều nằm trên mặt đất. Có những loại có thể được cất giấu trong hầm ngầm sâu trong những dãy núi, buộc Mỹ chỉ có cách duy nhất là sử dụng bom hạt nhân mới có thể phá hủy được.
Quân đội Mỹ không bao giờ đảm bảo được rằng họ có thể vô hiệu hóa được toàn bộ vũ khí hạt nhân Triều Tiên hay ám sát được nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngay trong đòn đánh đầu tiên. Trong trường hợp họ thất bại, Hàn Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên hứng chịu cơn thịnh nộ hạt nhân của Triều Tiên. Đó chắc chắn là điều mà Trump và các tướng lĩnh của mình chưa thể hình dung được, Sheridan nhận định.
Chuyên gia này cho rằng sự quyết liệt của chính quyền Trump hiện nay đối với vấn đề Triều Tiên có hiệu ứng tích cực hơn so với cách lảng tránh của những người tiền nhiệm, nhưng ông cần đến một chính sách rõ ràng hơn là phản ứng theo cảm tính.
"Trump đã gióng lên hồi trống khiến chúng ta kỳ vọng điều gì đó ở Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên luôn là vấn đề quan trọng và phức tạp hơn Syria. Khi chưa có một chiến lược toàn diện, những động thái trống giong cờ mở như vậy khó có thể giải quyết được vấn đề", Sheridan nhấn mạnh.
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn