Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú ở khu vực biên giới Syria, sẵn sàng tràn qua tấn công IS lẫn lực lượng người Kurd. Ảnh: AP |
Mỹ hôm 29/8 phải vội vã thúc ép hai đồng minh đang lục đục là Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân người Kurd (YPG) tập trung hỏa lực tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thay vì đấu đá lẫn nhau, theo Reuters. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu xem các tay súng người Kurd là mối đe dọa an ninh hàng đầu.
Ankara hồi tuần trước dường như đã phá hỏng những tính toán của Washington đối với cuộc xung đột ở Syria bằng cách phát động một cuộc tấn công thọc mạnh vào phía bắc quốc gia này, đánh vào những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Các tay súng YPG dày dạn kinh nghiệm cũng là một bộ phận của SDF.
Ankara trong khi đó cáo buộc một vụ pháo kích từ khu vực do YPG chiếm giữ đã khiến một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng vào hôm 27/8. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiêu diệt 25 phiến quân người Kurd ngay ngày hôm sau để trả đũa.
Đứng trước tình hình căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi đôi bên không đánh lẫn nhau để tiếp tục tập trung cho cuộc chiến diệt trừ IS.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tấn công nhắm vào SDF sẽ gây tổn hại cho nỗ lực củng cố mặt trận thống nhất chống IS.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá đòn tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ có mục tiêu rất khác nhau và thường xung khắc trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria.
Nó cũng đặt ra những nghi vấn về việc liệu Ankara có toan tính "phá bĩnh" các bước tiến quan trọng của SDF hay không, nhất là sau khi Lầu Năm Góc khen ngợi thắng lợi cách đây vài tuần mà SDF giành được trước IS ở thị trấn Manbij, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30 km.
Hôm 29/8, Bộ trưởng Carter tỏ ý sẽ không thay đổi chiến lược khi nhấn mạnh cả SDF lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh quan trọng trên chiến trường Syria. Lầu Năm Góc hy vọng các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn cuối cùng sẽ có thể lấy lại thành phố Raqqa từ tay IS.
Xoa dịu đồng minh
Chuyên gia nhận định kịch bản tốt đẹp nhất để tháo gỡ căng thẳng là Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận các cam kết của Mỹ về việc những tay súng YPG phải rút khỏi phía đông sông Euphrates. Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn lực lượng người Kurd mở rộng tầm kiểm soát về gần biên giới nước này và từng yêu cầu người Kurd thực hiện một cuộc rút lui như vậy.
Bộ trưởng Carter mô tả con sông Euphrates giống như hàng rào tự nhiên ngăn cách Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng YPG.
"Những gì chúng tôi có thể làm và đang làm với họ là xác định rõ nơi mà các thành phần YPG thuộc SDF có thể và không thể hiện diện", ông nói và thêm rằng các tay súng YPG thực sự đang rút lui.
Trong một động thái hể hiện sự ủng hộ Ankara, ông Carter khen ngợi những cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào IS tuần qua, đáng chú ý là trận đánh chiếm thị trấn Jarablus.
Blaise Misztal, giám đốc an ninh từ Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, trụ sở ở Washington, nhận xét Mỹ rõ ràng đang chứng kiện hậu quả của một chiến lược quá phụ thuộc vào những tay súng người Kurd để đánh bại IS, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ phản đối ra mặt.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải chống chọi với phong trào nổi dậy đòi ly khai của người Kurd trên chính lãnh thổ nước này. Hiện vẫn chưa rõ liệu Ankara có giảm tấn công người Kurd hay không dù Mỹ nhiều khả năng không chọn đứng về phía lực lượng YPG.
Thổ Nhĩ Kỳ là nơi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt các cơ sở quân sự quan trọng, bao gồm những trạm nghe lén, radar cảnh báo sớm... Căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ còn là địa điểm mà các chiến đấu cơ và máy bay không người lái Mỹ xuất kích để tấn công IS tại Syria.
"Khi Mỹ phải lựa chọn xa lánh người Thổ Nhĩ Kỳ hay người Kurd ở Syria, chắc chắn ai cũng biết đâu là bên thua cuộc", Bruce Riedel, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông từ Viện Brookings, bình luận.
Xem thêm: Vùng đất hoang tàn như trên Mặt Trăng ở Syria
Hồng Vân
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn