Thái tử Nhật Bản Naruhito và Thái tử phi Masako gặp các vận động viên nước nhà trước thềm Olympic hồi tháng 7. Ảnh: Reuters |
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, ám chỉ trong một bài biểu trên truyền hình hồi đầu tuần rằng ông muốn thoái vị vì tuổi cao sức yếu.
Thái tử Naruhito, 56 tuổi, được coi là sẵn sàng kế vị và đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính thức hơn trong thời gian qua. Tuy nhiên, vợ ông, Masako Owada, 52 tuổi, người từng hai lần từ chối lời cầu hôn trong cuộc tình bắt đầu gần 30 năm trước, đã rất vất vả trong cuộc sống cung đình.
Bà Masako từng theo học Đại học Harvard và miễn cưỡng từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn. Bà phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm trong hơn một thập kỷ, phải đối mặt với các quy định ràng buộc của cuộc sống hoàng cung và áp lực sinh con trai. Bà ít khi xuất hiện trước công chúng.
Con gái của họ, Aiko, 14 tuổi, không thể thừa kế ngai vàng vì pháp luật quy định người kế vị chỉ có thể là nam.
"Các thành viên hoàng tộc thường giành được tình cảm của người dân qua các hoạt động với công chúng", Kenneth Ruoff, giáo sư tại Đại học bang Portland, nói. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được nhiều người yêu mến vì họ giúp đỡ những người thiệt thòi và nỗ lực hàn gắn vết thương Thế chiến II ở nước ngoài.
Thái tử Naruhito đã nói rõ ông sẽ tiếp tục công việc của cha mình để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của hòa bình. "Nếu ông Naruhito cũng tích cực tham gia các hoạt động như vậy, chắc chắn ông ấy cũng sẽ được tôn kính như cha mình. Tuy nhiên, trường hợp của bà Masako thì khó đoán hơn".
Bảo vệ
Thái tử Naruhito luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ bà Masako. Năm 2004, ông gây bất hòa với cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của hoàng tộc khi tuyên bố bà Masako đã hoàn toàn kiệt sức khi cố gắng thích ứng với cuộc sống hoàng gia.
Ông Naruhito tiếp tục lên tiếng bảo vệ vợ trong những năm sau đó, khi các tờ báo địa phương chỉ trích vợ ông lơ là nhiệm vụ. Năm 2008, ông đề nghị mọi người cảm thông khi nói rằng: "Masako đang nỗ lực hết sức với sự giúp đỡ của những người xung quanh".
Nhật hoàng có nhiệm vụ chính thức là tham gia các nghi lễ tôn giáo và khai mạc quốc hội, đồng thời gian gia các hoạt động phúc lợi xã hội.
Hình ảnh Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko mặc trang phục giản dị, ngồi nói chuyện với nạn nhân thiên tai tại các trung tâm sơ tán đã in dấu trong trí nhớ công chúng. Họ cũng nhiều lần đến thăm trung tâm cho người khuyết tật và người già.
Midori Watanabe, một nhà báo và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bunka Gakuen, cho rằng ở vùng nông thôn hay với những người cao tuổi, sự xuất hiện của cặp đôi hoàng gia luôn được trân trọng một cách đặc biệt.
"Điều quan trọng là hai người phải đi với nhau", Watanabe nói. "Ông ấy (Naruhito) đã hứa sẽ bảo vệ bà ấy cả đời", bà nói thêm. "Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ cố gắng vì ông ấy".
Miiko Kodama, giáo sư danh dự tại Đại học Musashi, cho rằng khi bà Masako trở thành hoàng hậu, bà có thể sẽ vui vẻ hơn, giống như mẹ chồng mình.
Hoàng hậu Michiko, mẹ chồng của bà Masako, là thường dân đầu tiên kết hôn với một người thừa kế hoàng gia. Trong những ngày đầu gia nhập hoàng tộc, bà gầy đi rất nhiều và cũng phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, bà sau đó trở thành hoàng hậu xuất hiện trước công chúng nhiều nhất trong lịch sử Nhật Bản.
"Khi bà Masako trở thành hoàng hậu, địa vị cao hơn sẽ đồng nghĩa với việc tiếng nói của bà có trọng lượng hơn", Kodama nói.
"Tôi nghĩ rằng khi có ít người gây áp lực cho bà ấy hơn, nhiều triệu chứng bệnh của bà sẽ thuyên giảm".
Xem thêm: Liệu Nhật có để Thiên hoàng thoái vị
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn