Truyền thông nhà nước Cuba hôm nay 2/2 đưa tin ông Fidel Castro Diaz-Balart, con trai lớn nhất của lãnh tụ Fidel Castro, đã tự vẫn sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh trầm cảm. Ông là nhà khoa học nổi tiếng tại Cuba và được người dân quốc đảo Caribe ấn tượng vì ngoại hình rất giống lãnh tụ Fidel Castro với chiều cao nổi bật và chòm râu dài. Đó là lý do ông có biệt danh “Fidelito” hay còn gọi là “Fidel nhí”.
Sinh năm 1949, Fidel Castro Diaz-Balart là con trai duy nhất của lãnh tụ Fidel Castro và người vợ đầu tiên - bà Mirta Biaz-Balart. Theo CBC, ông Fidel Castro và bà Mirta kết hôn năm 1948, từng đi nghỉ trăng mặt ở New York và ly hôn 7 năm sau đó. Cuộc ly hôn này diễn ra trước khi ông Castro lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Cuba.
Những người viết tiểu sử tại Cuba cho biết bà Mirta đã đưa con trai đi cùng bà tới Mỹ khi Fidelito 5 tuổi. Ông Castro được cho là đã đưa Fidelito quay về Cuba sau cuộc cách mạng năm 1959 tại nước này. Theo CNN, Fidelito từng xuất hiện bên cạnh cha tại thủ đô Havana của Cuba trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với nhà báo Edward R. Murrow của đài CBS. Cậu bé Fidelito khi đó đã thể hiện khả năng nói tiếng Anh trôi chảy.
Trong cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên gặp ở Nga - bà Natasha Smirnova, ông Fidel Castro Diaz-Balart có ba người con là Mirta Maria, Fidel Antonio và Jose Raul. Sau khi ly hôn với bà Smirnova, ông kết hôn với bà Maria Victoria Barreiro từ Cuba.
Học vấn và sự nghiệp
Fidel Castro Diaz-Balart ban đầu theo học tại Cuba, sau đó tiếp tục con đường học vấn ở Liên Xô. Ông cũng từng dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu ở Cuba và Tây Ban Nha.
Theo trang tin Local10, Castro Diaz-Balart tốt nghiệp Đại học Quốc gia Moscow Lomonosov tại Liên Xô với bằng cử nhân vật lý hạt nhân. Ông cũng tham gia công tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Dubna và nhận bằng tiến sĩ về khoa học vật lý toán tại Viện Năng lượng Nguyên tử Kurchatov ở Moscow.
Từng được đào tào và nghiên cứu về vật lý hạt nhân ở Liên Xô, ông Castro Diaz-Balart trở về nước và trở thành nhà khoa học hàng đầu của Cuba. Ông đi khắp nơi trên thế giới để dự các hội thảo khoa học và được xem là chuyên gia đầu ngành về năng lượng hạt nhân, công nghệ nano và công nghệ thuốc sinh học.
Từ năm 1978 đến 1992, ông Castro Diaz-Balart đóng vai trò then chốt trong Chương trình Năng lượng Nguyên tử của Cuba và tham gia vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Juragua tại quốc đảo này. Tuy nhiên dự án này cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện và bị lãng quên sau khi Liên Xô sụp đổ.
Năm 1992, ông Castro Diaz-Balart bị cáo buộc tham ô, song không bị buộc tội chính thức. Từng là người đứng đầu chương trình điện hạt nhân của Cuba, ông bị chính cha mình sa thải và khiển trách công khai.
“Cậu ta không từ chức, mà cậu ta bị sa thải. Cuba không phải là chế độ quân chủ”, ông Fidel Castro nói về Fidelito, đồng thời nói rằng con trai ông bị che mắt bởi “khao khát quyền lực không thể cưỡng lại”.
Tâm huyết với khoa học
Từ năm 1993-2002, ông Castro Diaz-Balart giữ chức Phó Chủ tịch Học viện Khoa học Cuba và Thư ký điều hành của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Cuba. Sau đó, ông tham gia vào dự án thành lập trung tâm công nghệ nano mới. Sau khi ông Raul Castro kế nhiệm anh trai Fidel Castro lên nắm quyền lãnh đạo Cuba vào năm 2008, Castro Diaz-Balart được bổ nhiệm vào cố vấn khoa học cho chú ruột của mình. Từ đó ông bắt đầu xuất hiện trước công chúng trở lại.
Ông Castro Diaz-Balart từng đặt nhiều hy vọng khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ thiện chí bình thường hóa quan hệ với Cuba. Castro Diaz-Balart chia sẻ với các đồng nghiệp rằng ông rất chờ đợi được hợp tác với các nhà khoa học Mỹ trong việc sử dụng công nghệ nano dược lý vào việc chữa trị bệnh ung thư.
“Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ chắc chắn sẽ tạo dựng nền tảng cho việc cải thiện các điều kiện nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý, vì chúng ta từng gặp rất nhiều vấn đề trước khi có thể đạt được những công nghệ mới nhất trong các phòng thí nghiệm, cũng như đào tạo các sinh viên trước và sau đại học”, ông Castro Diaz-Balart trả lời phỏng vấn năm 2016.
Sau cuộc phỏng vấn này, ông Castro Diaz-Balart tới thăm Trung tâm Hệ thống Nano thuộc Trường kỹ thuật và khoa học ứng dụng tại Đại học Harvard và Trung tâm công nghệ nano thuộc Đại học Pennsylvania. Ngoài Mỹ, ông cũng tới thăm Iran.
Ông Castro Diaz-Balart rất yêu thích đất nước Nhật Bản, theo Local. Năm 2016, ông từng tới thăm Viện Khoa học Tokyo và tham dự Diễn đàn Khoa học và Công nghệ Xã hội. Năm 2017, ông tiếp tục tham dự diễn đàn này và dẫn đầu đoàn đại biểu của khu vực Caribe. Cũng trong năm này, trong chuyến đi tới Kazakhstan, ông Castro Diaz-Balart cũng đã ca ngợi các công nghệ cải tiến của Cuba và viễn cảnh năng lượng tại quốc gia này cho tới năm 2030.
“Trong khoảng thời gian hoạt động chuyên môn, ông ấy đã cống hiến hết mình cho khoa học và là tên tuổi được công nhận cả trong nước lẫn quốc tế”, trang Cubadebate viết về Castro Diaz-Balart.
Trong khoảng thời gian gần đây, ông Castro Diaz-Balart mắc bệnh trầm cảm và được đưa vào bệnh viện để điều trị. Sau đó ông xuất viện và được điều trị tại nhà trước khi tìm đến cái chết.
“Trong những năm gần đây, sức ảnh hưởng của ông ấy giảm sút. Ông ấy không làm gì nhiều. Tôi hiểu ông ấy bị trầm cảm trong một khoảng thời gian”, Newsweek dẫn lời Jaime Suchlicki, giám đốc Viện Nghiên cứu Cuba tại Coral Gables, cho biết.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn