Vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên có thể đã khiến một phần đường hầm ở bãi thử Punggye-ri bị sập. (Ảnh minh họa: AP)
Theo SCMP, đó là kết luận mới nhất từ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) do chuyên gia địa chất Wen Lianxing đứng đầu. Kết quả nghiên cứu nói rằng, vụ thử hạt nhân kéo dài 8,5 phút hôm 3/9/2017 của Triều Tiên trong đường hầm dài khoảng 700m bên dưới núi Mantap đã làm nứt vỡ ngọn núi và khiến một phần đường hầm bị sập.
Các nhà khoa học cảnh báo thêm, bụi phóng xạ có thể bị phát tán qua các lỗ hổng, khe nứt vỡ của ngọn núi. "Cần phải tiếp tục theo dõi nguy cơ rò rỉ phóng xạ do sự cố sập hầm này", thông cáo của nhóm chuyên gia nhấn mạnh.
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa và đóng cửa một khu thử hạt nhân để thể hiện thiện chí trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Một số chuyên gia cho rằng, lý do thực sự sau việc Triều Tiên quyết định đóng khu thử hạt nhân Punggye-ri có thể là do bãi thử này đã trở nên “vô dụng” sau vụ sập hầm hồi tháng 9 năm ngoái.
Trong khi đó, các chuyên gia của 38North, trang web của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn, Đại học John Hopkins, khẳng định bãi thử Punggye-ri vẫn có thể tái khởi động bất cứ lúc nào. Họ cho rằng, có thể Triều Tiên chỉ đóng cửa phía Bắc của bãi thử này, trong khi đó hoạt động đào xới hầm mới vẫn được phát hiện ở cổng Tây của bãi thử.
Minh Phương
Theo SCMP
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn