Châu Âu chia rẽ vì Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Thứ sáu - 18/11/2016 07:29

Châu Âu chia rẽ vì Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Các nước châu Âu có cách tiếp cận khác nhau đối với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, báo trước nguy cơ rạn nứt quan hệ trong khối.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ khiến những rạn nứt trong lòng châu Âu thêm rộng, buộc các lãnh đạo châu lục phải nhóm họp để bàn về mối quan hệ với tổng thống đắc cử của Mỹ.

Trước cuộc bầu cử, hầu hết lãnh đạo châu Âu đều phản đối ông Trump, do lo ngại ông trùm bất động sản có thể làm đảo lộn các thỏa thuận về an ninh với Tây Âu, vốn giúp khu vực này duy trì sự ổn định suốt 70 năm qua. Nhưng giờ đây, khi ông Trump đã đắc cử, tiếng nói phản đối đó đang nhạt dần khi các quốc gia phải tính toán cách ứng phó, theo Washington Post.

Các nhà lãnh đạo Anh dường như nóng lòng ủng hộ ông Trump với hy vọng có thể gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của ông sau này. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tuyên bố mong đợi được làm việc với ông Trump miễn là ông này tôn trọng các giá trị Tây Âu về sự khoan dung.

Trong khi đó, một số lãnh đạo châu Âu lại cho rằng châu lục này cần phải tự định đoạt số phận của mình, không nên trông chờ vào các chính sách của ông Trump. Những khác biệt trong quan điểm này có thể là chỉ báo cho mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Tây Âu dưới thời ông Trump: hỗn loạn, khó dự đoán và chia rẽ chưa từng có.

Châu Âu lâu nay vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận sau nhiều năm kinh tế bất ổn, cuộc khủng hoảng người di cư và những hiềm khích với Nga. Hồi tháng 6, người Anh đã bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và càng khiến thách thức thêm chồng chất. Nhưng chiến thắng của Donald Trump, như những gì chính ông nói, "còn gấp 5 lần Brexit".

"Chúng ta cần xem đây như một thời cơ", Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói trong lúc tới tham gia cuộc họp với những người đồng cấp châu Âu hôm 14/11.

"Thay đổi đang đến ở khắp nơi, khi người dân yêu cầu thay đổi, công việc của các chính trị gia là phải đáp lại", Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trên truyền hình, ám chỉ những tác nhân đã giúp Donald Trump chiến thắng và Anh rời khỏi EU.

Thế nhưng các lãnh đạo châu Âu khác lại có cách diễn giải khác về chiến thắng của Donald Trump. Nhiều người nhận thấy con đường phía trước không dễ chọn lựa. Nếu đón nhận ông Trump một cách quá dễ dàng, họ có nguy cơ thổi bùng làn sóng của các lực lượng đối lập trong nước. Nhưng nếu chối bỏ tổng thống đắc cử của Mỹ, họ có thể mất đi sự hậu thuẫn từ đồng minh hùng mạnh nhất, thậm chí có thể bị lạc điệu với cử tri trong nước - những người cũng đang lo lắng về vấn đề người nhập cư, kinh tế trì trệ cùng mặt trái của toàn cầu hóa.

"Câu hỏi lớn nhất là liệu châu Âu sẽ bày tỏ sự đoàn kết trước toàn bộ những vấn đề đó, hay họ sẽ cố gắng tìm cách thể hiện nó một cách song phương - tức là từng nước sẽ tới Washington để cố gắng đạt được những thỏa thuận có lợi nhất với tổng thống mới của Mỹ", ông Pierre Vimont, từng là nhà ngoại giao Pháp, nhận định.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: AIT

Trong cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng tại Brussels hôm 14/11, nhiều người đã cố tránh bày tỏ quan điểm quá mạnh mẽ về ông Trump. Các nhà lãnh đạo Pháp chỉ nói rằng họ sẽ tiếp tục các kế hoạch an ninh của mình mà không chờ chính quyền Mỹ mới.

"Châu Âu không nên chờ người khác quyết định. Chúng ta phải tự bảo vệ các lợi ích của mình, tức là các lợi ích của châu Âu và cùng lúc đó khẳng định vị thế chiến lược của mình trên thế giới", Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói.

Trong khi đó, các lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc tại Pháp, những người mang tư tưởng chống nhập cư và hoài nghi vào châu Âu, thì cho biết các đại diện của ông Trump hồi cuối tuần đã liên lạc với họ để bàn việc hợp tác. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong năm tới, tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng này đang tăng mạnh.

Các quốc gia khác thì có vẻ nóng lòng chờ đợi ông Trump có tín hiệu nới lỏng các lệnh cấm vận kinh tế chống lại Nga. Chính phủ của tổng thống Mỹ Obamađã thúc đẩy 28 quốc gia thành viên EU cùng đoàn kết thực thi các lệnh cấm vận chống Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Dù vậy, nhiều nhà ngoại giao EU tin rằng châu Âu sẽ nhanh chóng dỡ bỏ ít nhất một phần các lệnh trừng phạt, nếu ông Trump nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ trước.

Thế nhưng nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là cú tát vào mặt các quốc gia Đông Âu, những nước lo lắng về Nga, cũng như bà Merkel - người đã thúc đẩy châu Âu đoàn kết thực thi các lệnh trừng phạt.

Thủ tướng Merkel cũng là lãnh đạo châu Âu thách thức ông Trump mạnh mẽ nhất. Sau khi tỷ phú này chiến thắng, bà và các đồng minh tỏ ra ngày càng rõ ràng trong việc sẵn sàng một mình bảo vệ trật tự hậu Thế chiến II của phương Tây, dù các đối tác cứ lần lượt bỏ đi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Nước Đức lâu nay vẫn né tránh việc đầu tư nhiều cho quân đội do quá khứ phát xít. Nhưng hiện giờ các nhà lãnh đạo đang bàn đến sự cần thiết phải đầu tư đầy đủ hơn cho an ninh quốc gia, do lo ngại sự phụ thuộc vào Mỹ.

"Với chúng tôi, có một điều rõ ràng là châu Âu cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về công việc của chính mình", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu thì có vẻ như sẵn sàng chối bỏ ông Trump. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải lãng phí hai năm trong khi ông Trump đi một vòng khắp một thế giới mà ông ta hoàn toàn không hiểu biết về nó", ông Juncker phát biểu tại Luxembourg hồi tuần trước. 

Xem thêm:  Di sản Obama đứng bên bờ vực dưới thời Donald Trump

Đồng minh châu Á thấp thỏm sau chiến thắng của Trump

Hoàng Nguyên

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây