Một tàu tuần duyên Trung Quốc. Ảnh: AFP/Jiji.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ, xem xét cụ thể 45 lần đụng độ và đối đầu trên Biển Đông từ năm 2010. Khảo sát, liên quan đến nhiều quốc gia và loại tàu, cho thấy tuần duyên Trung Quốc liên quan trong 30 lần. 4 vụ khác liên quan đến một tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng thực thi pháp luật.
"Hành động của Trung Quốc cho thấy có sự trái ngược với những việc lực lượng hành pháp thường thực hiện", Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực tại CSIS, nói. "Chúng tôi thấy có bắt nạt, quấy rối và đâm va với tàu đến từ các quốc gia có tàu tuần duyên, tàu cá nhỏ hơn", nhằm khẳng định chủ quyền với Biển Đông.
Nghiên cứu bao gồm vụ đối đầu trên biển giữa Hà Nội và Bắc Kinh năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và căng thẳng dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines năm 2012.
Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, giám sát lực lượng tuần duyên, chưa có bình luận.
Dù nguy cơ xảy ra xung đột hải quân đang là lo ngại chính ở Biển Đông, sự nguy hiểm từ những vụ việc có liên quan đến tuần duyên cũng không nên xem nhẹ, Glaser nói.
Trong ngắn hạn, bà Glaser tin nguy cơ xảy ra thương vong trong đụng độ dân sự cao hơn so với giữa các lực lượng hải quân tuần tra Biển Đông, dựa vào tần suất và cường độ các vụ việc trong vài năm qua. Những thỏa thuận về liên lạc nhằm ngăn xảy ra đụng độ trong khu vực chưa bao gồm tuần duyên.
Khảo sát còn cho thấy việc hợp nhất các đội tàu dân sự Trung Quốc, đi cùng với tăng ngân sách, đã giúp Bắc Kinh tạo ra lực lượng tuần duyên lớn nhất thế giới. Trung Quốc đang điều động 205 tàu, trong đó có 95 tàu hơn 1.000 tấn, đông hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản, theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ.
Như TâmNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn