Mohanned Ali, 5 tuổi, da bọc xương, nằm trên giường bệnh. Ảnh: AP |
Trước Mohannad, khi ánh sáng bình minh đầu tiên lọt qua khe cửa sổ bệnh viện, em họ mới hai tuổi của cậu bé cũng đã chết vì đói. Mohammed Ali, 19 tuổi, anh trai của Mohannad, nắm chặt tay em đang nằm trên giường, theo AP.
"Hôm nay tôi đã mất đi một người em họ chết vì suy dinh dưỡng. Tôi không thể để mất em trai nữa", Mohammed nói.
Họ là hai trong vô số người Yemen đang chật vật nuôi sống bản thân trong bối cảnh cuộc nội chiến đẩy đất nước nghèo nhất Arab vào bờ vực nạn đói. Gia đình Mohammed sống trong một túp lều ở miền bắc Yemen, nơi phiến quân Houthi đang kiểm soát. Đây là một nhóm dân tộc thiểu số theo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn, đang trong cuộc chiến với quân chính phủ do Mỹ và liên quân Arab hậu thuẫn.
Kể từ tháng 3/2015, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu tiến hành cuộc chiến chống phiến quân Houthi tại Yemen, nhằm khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang phải sống lưu vong.
Ít nhất 25 người trong đó có 14 phiến quân Houthi đã chết trong hai ngày qua trong cuộc xung đột cướp đi mạng sống của gần 7.000 người hai năm nay. Kinh tế bị phong tỏa nhằm ngăn chặn phiến quân Houthi tái trang bị vũ khí, góp phần làm giá lương thực tăng hơn 60%.
Người Yemen phải chật vật kiếm sống. Hiện giờ, họ thậm chí còn khó mà ăn đủ no. Cha của Mohammed đi làm ruộng thuê theo mùa vụ, chỉ kiếm được vài đôla một ngày. Mohammed đã bỏ học khi nội chiến bắt đầu và đi làm cửu vạn, làm ruộng thuê.
Trước chiến tranh, họ kiếm đủ để mua thịt bò hoặc thịt gà mỗi tuần một lần, nhưng bây giờ, may mắn lắm thì kiếm được vài con cá ăn trưa. Bữa ăn hàng ngày chủ yếu gồm bánh mỳ, cơm và trà.
Hồi đầu tháng này, Mohammed và em trai vượt qua chặng đường dài hơn một tiếng trên con đường gập ghềnh sỏi đá và không an toàn để tới bệnh viện gần nhất trong thị trấn Abs. Mohannad bị suy dinh dưỡng nặng, bắt đầu bằng triệu chứng tiêu chảy gần hai năm qua nhưng gia đình không đủ khả năng chữa trị.
Khoảng 2,2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Yemen, theo báo cáo vào giữa tháng 12/2016 của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Trong đó 462.000 em giống Mohanned, bị suy dinh dưỡng cấp tính (SAM) khiến các bé dễ mắc các bệnh như tiêu chảy và viêm phổi.
UNICEF đang hỗ trợ điều trị cho 215.000 trẻ bị SAM và phân phát vitamin bổ sung cho hàng triệu em, nhưng "việc này vẫn còn hạn chế do thiếu kinh phí và không thể tiến hành tại các khu vực giao tranh", theo Rajat Madhok, phát ngôn viên UNICEF tại Yemen.
"Cứ 10 phút lại có ít nhất một trẻ chết vì suy dinh dưỡng, tiêu chảy hoặc mắc bệnh truyền nhiễm" tại Yemen, theo báo cáo của UNICEF. Ít nhất 1.000 trẻ chết mỗi tuần vì các bệnh có thể phòng ngừa.
Mohammed hy vọng em trai mình không phải là đứa trẻ tiếp theo ra đi.
"Tôi thấy tình trạng của em ngày càng xấu", Mohammed vừa khóc vừa nói. "Thế nhưng tôi chẳng làm gì được cả".
Hồng HạnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn