Ba lý do Macron trở thành tổng thống trẻ nhất Pháp

Thứ tư - 10/05/2017 19:51

Ba lý do Macron trở thành tổng thống trẻ nhất Pháp

Sự thất vọng đối với các đảng phái truyền thống trong bối cảnh lo sợ chủ nghĩa dân túy lan rộng có thể khiến cử tri Pháp dành sự ủng hộ cho Emmanuel Macron.

Tổng thống đắc cử Pháp  Emmanuel Macron. Ảnh: AFP.

Với 66,06% số phiếu bầu, ứng cử viên theo chủ nghĩa tự do Emmanuel Macron đã đánh bại thủ lĩnh phong trào cực hữu Marine Le Pen để giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua.

Các chuyên gia phân tích đưa ra những nguyên nhân khiến Macron nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đa số người dân nước này, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và các phong trào cực hữu đang manh nha lan rộng tại châu Âu.

Bất mãn với các đảng cầm quyền truyền thống

Bình luận viên Philippe Mabille của tờ La Tribune nhận định rằng cử tri Pháp ngay từ vòng một đã thể hiện tâm lý thất vọng đối với sự lãnh đạo của các đảng phái truyền thống trên chính trường Pháp, khi loại cả hai ứng viên của cánh tả và cánh hữu, vốn luân phiên cầm quyền từ năm 1958. Tổng số phiếu của ứng cử viên hai đảng này cộng lại chỉ vào khoảng 26%, mức thấp chưa từng có từ trước đến nay.

Theo các nhà phân tích quốc tế, hai đảng Xã hội và Những người Cộng hòa của Pháp những năm gần đây đã không có những cải cách phù hợp, mà vẫn duy trì đường lối lãnh đạo cũ trong bối cảnh nước Pháp phải đối mặt với nhiều thách thức như nạn thất nghiệp gia tăng, chủ nghĩa khủng bố và nạn nhập cư tràn lan.

Điều này khiến cử tri bất mãn, không chấp nhận những người cũ, mong muốn sự đổi mới. Đây là một xu hướng đang phát triển rộng rãi tại Pháp và nhiều nước châu Âu khác.

Trong hoàn cảnh đó, ứng viên theo đường lối tự do Macron với tư tưởng chống lại đảng Xã hội mà ông từng tham gia đã nhận được cảm tình của rất nhiều cử tri Pháp, bao gồm những người đang giận dữ với đương kim Tổng thống Francois Hollande.

Theo bình luận viên Mabille, cuộc đối đầu tại vòng hai vừa qua giữa Macron, một lãnh đạo trẻ của một phong trào chính trị mới thành lập, với Marine Le Pen, người đã phục hồi được ảnh hưởng của đảng Mặt trận quốc gia (FN) vốn bị coi là chống chính quyền chính là sự khởi đầu của một công cuộc tái cơ cấu toàn bộ nền chính trị của Pháp.

"Hoàn cảnh đặc biệt tạo nên những người đặc biệt. Nếu không có cuộc cách mạng Pháp, Napoleon Bonaparte có lẽ vẫn chỉ là một sỹ quan bình thường trong quân đội. Và nếu hai chính đảng lớn của Pháp không đi xuống và khiến người dân bất mãn thì Emmanuel Macron có lẽ vẫn mãi chỉ là một chuyên gia ngân hàng tài năng", chuyên gia Dominique Moisi thuộc viện nghiên cứu Montaigne tại Paris nhận định.

Ủng hộ đường lối tự do

Theo các chuyên gia của nhật báo Direct Matin, ngoài tư tưởng ủng hộ hội nhập kinh tế, duy trì sự đoàn kết của Liên minh châu Âu vốn giúp ông Marcon thu hút những cử tri lo sợ hiện tượng Frexit (Pháp sẽ trưng cầu rời EU), quan điểm tự do và linh hoạt trong những vấn đề đối nội cũng khiến rất nhiều người Pháp dành phiếu bầu cho ông.

Về trợ cấp xã hội, ông Marcon mong muốn tăng tiền phụ cấp khuyến khích làm việc và miễn tất cả những loại thuế cho những người có mức thu nhập tối thiểu.

Đối với vấn đề giờ làm việc, vốn gây nhiều phản ứng trong dư luận nhiều năm qua, Tổng thống đắc cử Pháp cam kết duy trì một chế độ mềm dẻo có thể cho phép giới trẻ làm hơn 35 giờ một tuần, nhưng đối với người có tuổi, có thể hạ xuống 30 hay 32 giờ một tuần.

"Chúng ta đang trong một thế giới mà tùy theo lứa tuổi, ta có những mong muốn khác biệt", ông Marcon tuyên bố.

Ông Macron xác nhận sẽ ưu tiên vấn đề giáo dục và đặc biệt cho trường tiểu học. Ông muốn các trường được tự chủ hơn và bãi bỏ hệ thống tiểu học duy nhất cho cả nước. Ý tưởng của Marcon là phải giúp đỡ những trường ở khu vực khó khăn có được nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, được tự do về phương pháp sư phạm và được trả lương phù hợp.

Lo sợ chủ nghĩa dân túy

Bà Le Pen chúc mừng ông Macron

Bình luận viên Mabille nhận định rằng việc bà Le Pen có thể vượt qua được vòng một chỉ phản ánh tâm lý bất mãn của người dân đối với sự trì trệ của hai chính đảng lớn nhất của Pháp.

Đa số cử tri nước này vẫn cương quyết chống lại sự thắng thế của nền chính trị lợi dụng sự sợ hãi để kích động lòng dân theo kiểu của đảng FN của bà Le Pen. Dù chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang ngày càng lan rộng trong khu vực, nhưng một ứng cử viên ủng hộ hội nhập châu Âu mạnh mẽ hơn như Macron vẫn đang chiếm lợi thế rất lớn.

Hơn nữa, nhờ quan điểm ôn hòa và tự do, nhiều chính trị gia uy tín của cả phe cánh hữu và cánh tả, trong đó có hai ứng cử viên Benoît Hamon và François Fillon, cùng với nhiều lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ với cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp. Điều này có thể khiến những cử tri còn đang do dự quyết định ngả hẳn về phía ông.

"Chiến thắng của Tổng thống đắc cử Pháp đã khiến 'thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm'. Trên thực tế, chiến thắng của ông Macron trước bà Le Pen sẽ được nhiều người coi là chiến thắng rõ ràng của châu Âu và là một đòn giáng với chủ nghĩa bài ngoại và những nỗi sợ hãi", Irene Finel-Honigman, chuyên gia về chính trị Pháp tại đại học Columbia, Mỹ nhận định.

Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây