Otto Warmbier trong thời gian bị bắt ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier hôm 19/6 chỉ ít ngày sau khi trở về từ nhà tù Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận, theo NBC News.
Gordon Chang, cây bút bình luận của Daily Beast, ngoài tuyên bố lên án Triều Tiên "tàn bạo", ông Trump sẽ phải làm điều gì đó để khiến Bình Nhưỡng hiểu rằng "hành động hãm hại một người Mỹ sẽ phải trả giá đắt". Chang cho rằng Tổng thống Mỹ có ba phương án có thể tung ra để gây sức ép với Triều Tiên sau vụ việc này.
Cấm công dân Mỹ du lịch đến Triều Tiên
Chang cho rằng trước sự chú ý của dư luận, Trump và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không dễ dàng để cho cái chết của Warmbier trôi qua mà không bị phản đối. Động thái có thể tiến hành ngay lập tức là cấm hoàn toàn công dân Mỹ du lịch đến Triều Tiên, vốn được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đưa ra trong phiên chất vấn Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần trước.
"Chúng tôi vẫn đang đánh giá liệu chúng ta có nên áp đặt một hình thức hạn chế nào đó đối với việc cấp thị thực du lịch đến Triều Tiên hay không. Chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng đang xem xét nó", Tillerson nói với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.
Những người ủng hộ Đạo luật kiểm soát du lịch Triều Tiên đang hối thúc các nhà làm luật thông qua dự luật này. Trong một thập kỷ qua, có ít nhất 17 công dân Mỹ bị bắt giữ tại Triều Tiên với lý do "có hoạt động thù địch" chống lại Bình Nhưỡng.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Schiff nói rằng du lịch giúp tạo ra nguồn thu cho Triều Tiên. Theo ông, cần phải có những biện pháp hạn chế hiệu quả và có tác động lớn đối với hoạt động thăm viếng của người Mỹ đến Triều Tiên và nên cấm hoàn toàn du khách Mỹ đến nước này.
Một lệnh cấm du lịch hoàn toàn đến Triều Tiên đòi hỏi phải có sự tán thành của quốc hội. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Rex Tillerson có thể đơn phương áp đặt "một lệnh hạn chế du lịch theo khu vực địa lý" nếu có mối nguy hiểm sắp xảy ra đối với an toàn của du khách Mỹ.
Sau cái chết của Warmbier, các công ty lữ hành đồng loạt tuyên bố không tiếp nhận người Mỹ cho các tour đến Triều Tiên vì "rủi ro quá lớn".
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người Mỹ đến thăm Triều Tiên mỗi năm nhưng tháng trước văn phòng của công ty du lịch Koryo Tours tại bang New Jersey tiết lộ với New York Times rằng khoảng 20% trong số 4.000-5000 du khách phương Tây thăm Triều Tiên mỗi năm đến từ Mỹ.
Mỹ không có đại sứ quán tại Triều Tiên nên phải dựa vào các nhà ngoại giao Thụy Điển để hỗ trợ người Mỹ các nhu cầu về lãnh sự. Ngoài ra, số người Mỹ làm ăn ở Triều Tiên và làm việc cho các tổ chức phi chính phủ có hoạt động ở Triều Tiên là rất ít.
Siết chặt biện pháp trừng phạt kinh tế
Chang cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ có thể trừng phạt Triều Tiên sau cái chết của Warmbier bằng cách đưa nước này trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Năm 2008, Triều Tiên được đưa ra khỏi danh sách này như là một phần trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng do chính quyền tổng thống George W. Bush khởi xướng, nhằm thuyết phục nước này thu hẹp chương trình hạt nhân.
Theo Chang, một phương án khác nữa là siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa. Động thái này sẽ đặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tình thế khó khăn, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng đang rất cần tiền cho chương trình hạt nhân và tên lửa.
Một điều vẫn chưa rõ là liệu cái chết của Warmbier có giúp gia tăng khả năng trả tự do cho ba công dân Mỹ khác đang bị giam giữ tại Triều Tiên hay không.
Chang cho rằng Trump sẽ gây sức ép đối với Triều Tiên để bảo đảm họ không chịu số phận tương tự như Warmbier.
Warmbier được Triều Tiên phóng thích sau khi Joseph Yun, đặc sứ về vấn đề Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, bay đến Bình Nhưỡng cùng với một đội y tế. Ông đã tiếp xúc với ba công dân Mỹ khác đang bị giam giữ tại Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ muốn Triều Tiên sớm phóng thích họ nhưng thời gian cụ thể vẫn chưa được ấn định.
Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, nói rằng những công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên không phàn nàn về các điều kiện sinh hoạt trong tù.
Tấn công phủ đầu
Hôm 20/6, trong một động thái dằn mặt Triều Tiên, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B bay qua bán đảo Triều Tiên, theo các quan chức Hàn Quốc.
Nhà Trắng chưa đưa ra tín hiệu cảnh báo nào về một cuộc không kích đáp trả Triều Tiên. Tuy nhiên, trò chuyện trong chương trình The Specialists của kênh truyền hình Fox News, người dẫn chương trình Eric Bolling cho rằng "có lẽ đến lúc tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên".
Ông cảnh báo chính quyền Trump sẽ gây rủi ro cho an toàn của nước Mỹ nếu Tổng thống không hành động ngay lập tức. Bolling tin rằng cần phải xem xét nghiêm túc lời đe dọa biến nước Mỹ thành tro bụi bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng.
Jonathan Pollack, nhà phân tích cao cấp ở Viện Brookings ở Washington, Mỹ, gọi cái chết của Warmbier là "hồi chuông báo động". Tuy nhiên, ông cho rằng nếu so sánh với việc Syria bị cáo buộc tấn công vũ khí hóa học giết hơn 100 người dân khiến Trump ra lệnh phóng tên lửa vào căn cứ không quân của Syria tháng 4/2017, tính phức tạp xung quanh việc ứng phó với Triều Tiên sẽ không dẫn đến khả năng Mỹ không kích Triều Tiên.
"Trong vấn đề Triều Tiên, bạn không thể chỉ đơn thuần phản ứng trước một sự kiện. Phản ứng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, kỷ luật và tính toán động cơ", Pollack nhận xét.
Hồng VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn