Máy bay Me-264 dự kiến sử dụng cho nhiệm vụ ném bom bẩn. Ảnh: Air Pages. |
Sau khi Mỹ tham gia ném bom nước Đức từ năm 1942, trùm phát xít Adolf Hitler quyết định triển khai Dự án 1061, sử dụng bom bẩn với thành phần là vật liệu phóng xạ để nhắm vào lãnh thổ Mỹ, theo War History.
Mục tiêu được lựa chọn là thành phố New York, nơi gần châu Âu nhất, cũng là trung tâm tài chính của Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách từ Đức đến New York là khoảng 5.632 km, vượt quá tầm hoạt động của các máy bay Đức. Hermann Wilhelm Goring, phó tướng của Hitler, đã ra lệnh chế tạo một chiếc máy bay có tầm hoạt động tối thiểu trên 16.000 km để có thể tấn công và quay về.
Việc này được giao cho Wilhelm Emil "Willy" Messerschmitt, cha đẻ của tiêm kích Bf 109 và Me-262. Các kỹ sư dưới quyền Messerschmitt đã chế tạo một nguyên mẫu có tên Me-264. Khi họ cho rằng nó đáp ứng được yêu cầu, chính quyền phát xít Đức quyết định chế tạo 6 chiếc Me-264 tại nhà máy Lechfeld ở Bavaria.
Tuy nhiên, chiến dịch ném bom rải thảm của quân Đồng minh năm 1943 đã xóa sổ cả hai nguyên mẫu máy bay cùng nhiều kỹ sư đang làm việc trên đó, cũng như nhiều nhà máy và thành phố Đức.
Hitler rất tức giận và giao dự án này cho Siegfried Knemeyer, Bộ trưởng Không quân Đức, người sau đó phát động cuộc thi "Dự án Oanh tạc nước Mỹ" để huy động ý tưởng tấn công thành phố New York, thậm chí còn đề xuất chế tạo một loại bom mới.
Vào năm 1941, các nhà khoa học Đức đã thử nghiệm chất phóng xạ và biết đây là chất độc gây chết người. Đội ngũ của Knemeyer đã xem xét chế tạo một quả bom chứa bụi phóng xạ và thả xuống thành phố New York, cho rằng nó sẽ đủ sức buộc Mỹ rút khỏi chiến tranh.
Ý tưởng đầu tiên của dự án là sử dụng tàu lượn thân liền cánh hình tam giác của anh em Walter và Reimar Horten. Để tránh radar và tối ưu hóa các vật liệu khan hiếm, vỏ ngoài tàu lượn được làm bằng gỗ và phủ bụi than. Đây là phương tiện rẻ và dễ chế tạo nhất có đủ khả năng bay đến thành phố New York. Tuy nhiên, nhà máy của anh em Horten đã bị quân Đồng minh ném bom hai lần trong tháng 7/1944 và tháng 3/1945.
Tiếp đó, Wember von Braun, nhà thiết kế động cơ tên lửa, tác giả của mẫu V1 và V2 khét tiếng, được lệnh hoán cải một trong hai loại tên lửa trên để phi công có thể ngồi điều khiển ở phần mũi. Phiên bản này được gọi là máy bay phản lực A-9.
Máy bay sẽ được phóng theo phương thẳng đứng nhờ động cơ đẩy A-10 do von Braun chế tạo. Khi đến quỹ đạo thấp (dưới 100 km), phần động cơ đẩy sẽ tách ra, máy bay chuyển sang chế độ bay bằng và lao thẳng đến thành phố New York. Tốc độ hành trình của A-9 đạt mức 4.800 km/h và không hề chậm lại, biến sứ mệnh của phi công trở thành nhiệm vụ liều chết.
Phát xít Đức đã tận dụng hàng nghìn người bị giam ở các trại tập trung để hiện thực hóa ý tưởng đó. Tuy nhiên, chính những người lao động này đã tìm cách trả thù, phá hủy rất nhiều tên lửa bằng cách tiểu tiện vào các mạch điện tinh vi. Ước tính đã có 1/3 số tên lửa V-2 không thể bắn tới nước Anh vì việc này.
Cuối cùng là ý tưởng của Eugen Sanger, một nhà thiết kế người Áo. Để khắc phục vấn đề mang đủ nhiên liệu cho hành trình đến Mỹ và quay về, Sanger đưa ra giải pháp tàu tên lửa Silverbird, có khả năng bay từ Berlin đến Tokyo và New York.
Bản thiết kế tàu tên lửa Silverbird. Ảnh: Gizmodo. |
Tàu sẽ được phóng trên một ván trượt sử dụng động cơ phản lực đặt trên đường ray song song. Sau khi cất cánh, động cơ trên tàu sẽ kích hoạt, giúp nó lấy độ cao với góc tấn 60 độ trong vòng 3-4 phút cho đến khi hết nhiên liệu.
Lúc này, Silverbird sẽ leo cao tới quỹ đạo thấp nhờ tốc độ cao và lực hướng tâm từ trước đó. Với vận tốc 22.500 km/h, Silverbird sẽ lướt bên trên bầu khí quyển để đến thành phố New York thả bom.
Tuy nhiên âm mưu tấn công Mỹ bằng bom bẩn của Hitler đã bị phá sản, bởi không dự án nào trở thành hiện thực. Tháng 4/1945, von Braun đầu hàng quân Đồng minh, sau đó làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Sanger đến Pháp nghiên cứu động cơ phản lực dòng thẳng siêu thanh (ramjet). Công việc của ông tạo tiền đề cho tàu vũ trụ con thoi của Mỹ. Ý tưởng của anh em nhà Horten sau này trở thành nền tảng cho tiêm kích Northrop XP-79B "Flying Ram".
Duy SơnNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn