Chuyên gia lo ngại Mỹ có thể bị sa lầy vào các xung đột ở nước ngoài nếu khủng bố tấn công các tài sản của Donald Trump. Ảnh: AFP |
Sau những đồn đoán về việc tỷ phú Trump có thể mang lại những mối lợi lớn cho công việc kinh doanh của gia đình khi ông ở vị trí tổng thống Mỹ, ông Trump hôm 30/11 thông báo sẽ rút hoàn toàn khỏi thương trường sau ngày 15/12. Mục đích của ông là "tập trung hết sức vào việc điều hành đất nước, nhằm khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại".
Donald Trump là chủ tịch của Tập đoàn bất động sản Trump, doanh nghiệp sở hữu và phát triển nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tháp chung cư và sân golf tại nhiều quốc gia. Đội ngũ của ông Trump trước đó cho biết việc kinh doanh của gia đình sẽ do ba người con trưởng thành của ông đảm nhiệm.
Đánh giá về diễn biến này, ông Richard Painter, chuyên gia tại Đại học Minnesota, Mỹ, trao đổi với VnExpress rằng có 4 mối nguy cơ vẫn hiện hữu với nước Mỹ.
Thứ nhất là rủi ro về an ninh. Một tòa nhà mang tên tổng thống Mỹ (Tháp Trump ở New York) có thể là mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố và những kẻ chống Mỹ. Ai sẽ là người bảo vệ những tòa nhà thuộc sở hữu của gia đình ông Trump? Tập đoàn của ông có thuê công ty an ninh không, hay những người dân Mỹ phải trả thuế cho việc này? Chính phủ nước khác có đề xuất trả không?, luật sư Painter nêu nghi vấn.
"Nếu xảy ra một vụ tấn công khủng bố, việc bảo đảm an ninh thất bại hoặc xảy ra bi kịch nào đó với tài sản của Trump, Mỹ có thể dễ dàng bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở nước ngoài. Đây là khía cạnh nguy hiểm nhất về vấn đề xung đột lợi ích của ông Trump", ông Painter nói.
Theo chuyên gia này, người từng là luật sư trưởng về đạo đức của Nhà Trắng từ 2005 - 2007, nguy cơ thứ hai với Mỹ là khả năng hối lộ. Mỹ có các đạo luật hình sự để ngăn chặn việc hối lộ giữa một người làm việc cho chính quyền với bất kỳ ai.
Ông Painter cho hay khả năng hối lộ xuất hiện khi có ai đó làm việc cho chính phủ hoặc làm việc cho tập đoàn của Trump thảo luận về hoạt động kinh doanh của Mỹ và hoạt động kinh doanh của gia đình ông. Không ai trong chính phủ Mỹ, gồm cả tổng thống, nên hỏi nhà ngoại giao nước ngoài về bất kỳ khía cạnh kinh doanh nào của Trump, gồm các vấn đề như các cối xay gió chướng mắt nằm quá gần các sân golf của Trump.
"Những thảo luận như vậy sẽ gợi ý mối liên hệ giữa hành động của chính phủ với những lợi ích cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Trump. Nói cách khác, đây là một vụ hối lộ. Sự xuất hiện của các thỏa thuận bị cấm như vậy sẽ khó mà tránh được", ông Painter bày tỏ lo ngại.
Nguy cơ thứ ba, theo luật sư Painter, là điều khoản về thù lao, cấm các chính phủ nước ngoài chi trả cho quan chức chính phủ Mỹ. Chẳng hạn như các nhà ngoại giao nước ngoài nghỉ tại các khách sạn của Trump mà chi bằng tiền của chính phủ nước đó; chính phủ nước ngoài tổ chức các bữa tiệc ở khách sạn của Trump; khi ngân hàng thuộc sở hữu của nước ngoài cho tập đoàn của Trump vay tiền, chẳng hạn như Ngân hàng Trung Quốc.
"Giải pháp xử lý cho việc vi phạm nghiêm trọng là luận tội, mặc dù đây là quyết định mang tính chính trị của Quốc hội", ông Painter phỏng đoán.
Nguy cơ thứ tư là những quan ngại về chính trị. Ông Painter đặt vấn đề làm sao người Mỹ trông đợi chính quyền của ông Trump điều hành đất nước khi các ngân hàng hoạt động lỏng lẻo về việc cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, khi bản thân tổng thống nợ ngân hàng hàng trăm triệu USD.
Tỏ ra thận trọng hơn, chuyên gia Kenneth Gross, hãng luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, cho rằng dù Trump tuyên bố rút khỏi thương trường nhưng vẫn cần chờ đợi thêm để đánh giá.
"Thời điểm này mọi người vẫn chưa rõ ý nghĩa tuyên bố của Trump, chưa rõ ông sẽ bán các doanh nghiệp của mình hay chuyển quyền quản lý cho các con mình", ông Gross nói.
Việt AnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn