ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị nói không với các dự án có mùi “lợi ích nhóm”.
Cải tổ mạnh mẽ trong khâu thẩm định, xét duyệt đầu tư
Đề cập 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nằm đắp chiếu gồm, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự không hài lòng khi báo cáo của các cơ quan chức năng chưa chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm . “Cử tri đặt vấn đề là Chính phủ chỉ báo cáo 5 dự án, thế còn bao nhiêu dự án như thế nữa”, ông Nghĩa nêu câu hỏi.
Theo ông Nghĩa, đầu tư công có vai trò là động lực cho sự phát triển của đất nước, nhưng nếu quản lý không tốt thì sẽ là nguồn lợi cho cán bộ tham nhũng, xà xẻo, xâu xé, sau đó dự án sẽ nằm đắp chiếu và tiếp tục ngốn ngân sách để trả nợ cho các khoản vay, thuê người bảo vệ. Từ đó, ông Nghĩa đề nghị, cần có cuộc cải tổ mạnh mẽ trong khâu thẩm định, xét duyệt đầu tư. “Nếu cứ căn cứ vào tính cần thiết của dự án để mà phê duyệt thì nói thật từ sân bay, bến cảng, trường học, tàu ngầm, thám hiểm vũ trụ, đường sắt cao tốc, cầu treo, điện hạt nhân... cái nào cũng cần thiết hết. Nhưng để tránh lãng phí, dàn trải thì việc lựa chọn, xét duyệt dự án cần phải có tầm nhìn đúng đắn, khách quan, hợp lý, hài hòa”, ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, theo ông Nghĩa, khi các dự án có vấn đề về nguồn vốn, về hiệu quả, năng lực chủ đầu tư thì các cấp có thẩm quyền phải cương quyết “lắc đầu” không cho thực hiện. Có như thế mới tránh được tổn thất lãng phí nguồn lực của đất nước. “Điều quan trọng là người phê duyệt, xem xét, quyết định dự án phải chí công, vô tư. Cơ quan quản lý phải sẵn sàng “trảm tướng” nếu thấy việc quyết định, triển khai dự án có tiêu cực, lãng phí”, ông Nghĩa gợi ý và đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chi ngân sách và đầu tư công. Triệt để chống tham nhũng, cương quyết nói không với các dự án có mùi “lợi ích nhóm”.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đề nghị Chính phủ và Quốc hội xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với 5 dự án lãng phí trên. Từ đó xử lý nghiêm. “Trách nhiệm tổ chức, cá nhân không chỉ ra được thì không tạo ra bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư trong thời gian tới”, ông Phương nói
Vay đáo nợ ngày càng tăng
Đề cập tình trạng nợ công, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) lo lắng khi nợ công đã là 64,98% GDP sát ngưỡng 65% GDP, còn nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép là 50% GDP. “Đến thời điểm này tăng trưởng GDP năm 2016 khó đạt mục tiêu 6,7% so với mức đề ra. Như vậy, nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công đang thực sự xảy ra”, ông Tiến cảnh báo.
Cũng theo ông Tiến, khi tốc độ nợ công tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước, còn GDP tăng thấp thì khả năng cân đối nguồn để trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc phải vay đáo nợ với khối lượng lớn, năm sau cao hơn năm trước. Ví như năm 2013, chỉ vay đáo nợ là 47 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2014 đã tăng lên thành 106 nghìn tỷ đồng, và năm 2015 là 125 nghìn tỷ đồng. “Đề nghị Chính phủ phải có chiến lược về nợ công một cách rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm”, ông Tiến đề nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng bày tỏ sự lo lắng đến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, trong đó có khoản nợ bảo hiểm xã hội hơn 22 nghìn tỷ từ năm 1995. Ông Lợi đề nghị Chính phủ phải xác định kế hoạch, lộ trình bố trí tính toán trả nợ, chuyển trả vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm trước ngày 1/1/1995. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã có Nghị quyết về vấn đề trên và Chính phủ cũng đã cam kết sẽ có lộ trình từ năm 2016 tiếp tục trả nợ dần khoản này để đến năm 2020 kết thúc.Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa biết Chính phủ sẽ cân đối trả nợ khoản này như thế nào? Đây là vấn đề rất quan trọng, 22 nghìn tỷ đến nay là 20 năm, nếu lãi mẹ đẻ lãi con thì quỹ bảo hiểm xã hội của chúng ta đã có gần 100 nghìn tỷ”, ông Lợi nói.
Sốt ruột với thực trạng trên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ nguyên nhân nợ công và áp lực nợ hiện nay cũng như giải pháp khắc phục để Quốc hội và nhân dân yên tâm. “Nhân gian có câu “thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi”, tâm lý người dân Việt Nam là lo nợ, nợ công cao thì càng lo. Cho nên cần làm rõ nguyên nhân, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới thì Quốc hội mới giải quyết được những vướng mắc hiện nay”, ĐB Phương kiến nghị.
Nghiên cứu sửa đổi luật quản lý nợ công
Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận “nợ công đang ngày càng tăng nhanh”.
Về nguyên nhân nợ công tăng nhanh, ông Dũng cho rằng, do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt được theo yêu cầu. Bên cạnh đó chi thường xuyên tăng rất nhanh lên đến 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước.
Đề cập giải pháp hạn chế tốc độ tăng nợ công, ông Dũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách, trong đó sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công. Bên cạnh đó, từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công bằng cách, đẩy mạnh phần nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài.
Nếu như năm 2001 nợ công chỉ là 36,5%, năm 2005 là 40,8%, năm 2010 là 50%, thì đến năm năm 2015 đã tăng lên thành 62,2% GDP. Về quy mô, theo ông Dũng năm 2015 nợ công rơi vào khoảng 2,608 triệu tỷ đồng gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2015 và gấp 14,8 lần năm 2001. “Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 bằng 18,4% một năm cao gấp ba lần tăng trưởng kinh tế. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn